Chuyển đổi xanh - động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ

(VietQ.vn) - Sáng ngày 4/4, tại TP.Thanh Hóa, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ”.
Khoa học công nghệ, chuyển đổi số là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững của Quảng Ninh
Kinh tế tư nhân - động lực chính cho tăng trưởng
Tham dự chương trình có ông Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Chu Phạm Ngọc Hiển – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, doanh nghiệp, đơn vị liên quan.
.jpg)
Phát biểu khai mạc, ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Đối với khu vực Bắc Trung Bộ - vùng đất có vị trí địa lý chiến lược, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, chương trình tạo ra diễn đàn quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về các chiến lược và giải pháp thiết thực trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây là chương trình có ý nghĩa to lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho khu vực Bắc Trung Bộ mà còn tạo động lực lan tỏa ra cả nước.
Tại chương trình, nhiều tham luận được trình bày xoay quanh nội dung chính về chuyển đổi xanh. Cụ thể, TS. Lại Văn Mạnh, Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, nhận định: Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hướng tới mục tiêu Net Zero năm 2050. Với tiềm năng kinh tế xanh, khu vực Bắc Trung Bộ có thể phát triển đối với các lĩnh vực như: Nông nghiệp, lâm nhiệp, thủy sản; Đa dạng sinh học; Chế biến, chế tạo và Dịch vụ môi trường.
Theo ông Mạnh, để phát triển công nghệ xanh và nhân lực cho vùng Bắc Trung Bộ cần truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức; Đào tạo và đào tạo lại về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhân rộng và phát triển các mô hình, giải pháp KTX, KTTH …; Hỗ trợ phát triển thị trường cho các công nghệ, thiết bị, sản phẩm, dịch vụ liên quan;
Đầu tư vào R&D để phát triển các công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn; Thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; Phát huy vai trò của hiệp hội, các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, Viện nghiên cứu vùng và địa phương; Thử nghiệm công nghệ mới; Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn (nhà nước, tín dụng xanh, trái phiếu xanh).
Nói về việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Vy - đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi xanh là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình tập trung vào việc áp dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa sự sử dụng tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tăng cường hiệu suất và sự bền vững của hệ thống nông nghiệp. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp là giảm thiểu phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên tự nhiên, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống nông nghiệp trước biến đổi khí hậu.
Với xu hướng toàn cầu hướng đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào các giải pháp chuyển đổi xanh nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, đó là tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sử dụng hóa chất sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước: Áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới tự động, tưới ngầm cục bộ, áp dụng hình thức “nông- lộ -phơi” trong sản xuất lúa (tưới nước chủ động khô - ướt xen kẽ)… để giảm lượng nước tiêu thụ trong nông nghiệp.
Tăng cường hoạt động sản xuất nông nghiệp giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon: trong các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi. Tăng cường phối hợp với các tổ chức có tiềm năng, lợi thế về công nghệ chuyển đổi tín chỉ carbon, về đo đạc, thẩm định và cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật. Xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn: Tái sử dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu chất thải và tăng cường việc cải tạo đất; giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, với phiên thảo luận mở, các chuyên gia, cơ quan quản lý và đại diện doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi về những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh tại Bắc Trung Bộ, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Kết luận chương trình, ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Vệt Nam cho hay: Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực với 15 báo cáo tham luận và phần thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, giàu tính xây dựng, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi nhiều ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau về chủ đề vô cùng quan trọng: "Chuyển đổi xanh - Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ".
Hội thảo đã làm rõ hơn tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, những thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam nói chung và tại khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng. Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là con đường tất yếu để Việt Nam, cũng như khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện phát triển bền vững.
Để chuyển đổi xanh thành hiện thực, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bắc Trung Bộ cần khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù ưu tiên chuyển đổi xanh, đẩy mạnh hợp tác công-tư, tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức về tài chính, công nghệ-kỹ thuật, về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, về cơ chế phối hợp liên ngành và nhận thức xã hội, nhưng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh cũng là cơ hội để khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, ông Hiển cho biết thêm.
Có thể thấy, với tiềm năng sẵn có cùng sự quyết tâm từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, khu vực Bắc Trung Bộ hoàn toàn có cơ hội trở thành khu vực đi đầu trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ, từ huy động nguồn lực tài chính, phát triển công nghệ xanh, đào tạo nhân lực đến hoàn thiện hệ thống pháp lý và thúc đẩy vai trò của cộng đồng. Khi tất cả các yếu tố này được kết hợp chặt chẽ, Bắc Trung Bộ không chỉ chuyển đổi thành công mà còn trở thành hình mẫu về tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển bền vững của cả nước.
Thanh Tùng