Chuyên gia nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sau Covid-19

author 10:40 04/11/2020

(VietQ.vn) - Để tái cấu trúc hoạt động, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đến nay vẫn đang là vấn đề khó của nhiều doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tái cấu trúc hoạt động, nguồn vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đến nay vẫn đang là vấn đề khó của nhiều doanh nghiệp.

Theo điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), có tới 35% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, vẫn còn tỷ lệ lớn doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Cũng theo điều tra PCI trong nhiều năm qua, gần 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp”. Điều này có nghĩa là, ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thậm chí, ngay cả khi có tài sản thế chấp, nguồn vay của họ cũng rất “ngắn hạn”, chỉ trong vòng 1 năm với mức lãi suất cao. Với cách thức tiếp cận nguồn vốn như vậy, rất khó để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh dài hạn.

Việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đến nay vẫn đang là vấn đề khó của nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, khi dịch Covid-19 bùng phát và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp, ngành ngân hàng ngay lập tức đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng lãi suất, cơ chế, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay… Đã có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ này. Hiện nay, để đồng hành cùng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các ngân hàng đang có hàng loạt chương trình, gói vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp.

Tuy vậy, ông Minh cũng thừa nhận, có một vấn đề ngành ngân hàng đã nhận được rất nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp, các hội ngành nghề nhưng không thể thực hiện, đó là nới lỏng điều kiện cho vay. Bởi lẽ, nếu nới lỏng không khéo thì nợ xấu sẽ có nguy cơ phát sinh. Điều này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nền kinh tế.

Để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải đảm bảo các điều kiện như có phương án sản xuất khả thi, minh bạch tài chính và có tài sản đảm bảo. Đối với các doanh nghiệp vừa và lớn, tài sản đảm bảo có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau như bất động sản, dây chuyền sản xuất, các khoản phải thu trong tương lai thông qua nghiệp vụ bao thanh toán, tài sản hình thành trong tương lai…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không có những tài sản này. "Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cơ chế yêu cầu các doanh nghiệp cho ngân hàng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp công khai, minh bạch dòng tiền thì ngân hàng mới có cơ sở cho vay, đảm bảo phương án thu hồi nợ cho ngân hàng. Trường hợp ngân hàng không làm đúng quy định này sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt thông qua các cuộc thanh tra, giám sát của ngành”, ông Minh cho biết.

Để giải quyết nút thắt hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng với quy mô 3-3,5% tổng dư nợ cho vay hiện nay, tức khoảng 300.000 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp đang khó khăn vì dịch bệnh tiếp cận. Đây là khoản vay tín chấp, tức doanh nghiệp không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất 3-5%/năm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm.

Tuy nhiên, điều kiện vay phải là những doanh nghiệp còn có khả năng “sống sót” chứ không phải toàn bộ. Nghĩa là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu còn thực dương. Doanh nghiệp có thể vay tối đa số tiền không vượt quá 3 lần giá trị thực dương của vốn điều lệ, hay vốn chủ sở hữu hoặc tùy điều kiện khác do “tổ hợp tín dụng” quy định.

Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước sẽ là đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một ngân hàng thương mại đứng ra quản lý tổ hợp. Tổ hợp cũng phải có hội đồng tín dụng duyệt xét hồ sơ vay của các doanh nghiệp. Khi hội đồng tín dụng thuận duyệt một tín dụng thì các ngân hàng sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào tổ hợp tín dụng. Đây sẽ là chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn còn dư địa về thanh khoản song Chính phủ không còn dư địa chính sách tiền tệ và tài khoá.

Cần sớm ban hành quy chuẩn về nồng độ chì trong sơn công nghiệp(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, Việt Nam cần sớm ban hành quy chuẩn để kiểm soát nồng độ chì trong sơn, đặc biệt là các loại sơn trang trí dùng cho nhà ở và trường học.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang