Cần sớm ban hành quy chuẩn về nồng độ chì trong sơn công nghiệp

author 06:39 04/11/2020

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, Việt Nam cần sớm ban hành quy chuẩn để kiểm soát nồng độ chì trong sơn, đặc biệt là các loại sơn trang trí dùng cho nhà ở và trường học.

Ngộ độc chì vẫn ở mức đáng báo động

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thực trạng nhiễm độc chì ở Việt Nam hiện nay vẫn đáng báo động bởi lẽ có những bệnh nhân đến viện đã được phát hiện nhưng còn có rất nhiều bệnh nhân sống trong cộng đồng đang bị nhiễm độc chì mà không hề hay biết.

Hiện có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng ngộ độc chì. Nguyên nhân có thể do khai khoáng các quặng chứa chì, tái chế chì từ ác quy, do sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì – đặc biệt là các thuốc có chứa hồng đơn, hoặc các công nhân trong môi trường lao động công nghiệp cũng rất dễ nhiễm độc chì… Hiện nay, còn yếu tố nữa rất cần được quan tâm đó là vấn đề các sản phẩm sơn chứa chì (sơn trang trí nhà cửa, sơn trên đồ chơi trẻ em, sơn các vật dụng...).

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, vấn đề nhiễm độc chì do sơn rất nổi cộm ở các nước phát triển cách đây 30 năm, nhiều người đã bị nhiễm độc, kể cả trẻ em khi hít phải các sơn chứa chì bong tróc ra từ những ngôi nhà cũ kỹ sau nhiều năm đi vào sử dụng. Chính vì thế, hiện nay các quốc gia phát triển đã kiểm soát rất chặt chẽ các dạng sản phẩm sơn chứa chì và tiến hành thay thế gần như tất cả các sản phẩm nguy hại này.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có con số chính xác về vấn đề sơn có chì và cần thiết cần có những số liệu báo cáo chính thức để kịp thời ứng phó. Trong khi đó, tại một số quốc gia trên thế giới, người ta đã có những khảo sát để biết được tỉ lệ sơn có chì là bao nhiêu, ví dụ ở Trung Quốc, Ấn Độ có đến hơn 70% sản phẩm sơn có chì; Malaysia là hơn 50%; Singapore gần 10% sản phẩm sơn có chì...

Ảnh minh họa 

Việt Nam cần sớm ban hành quy chuẩn

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, những quy định, quy chuẩn về sơn chì có hiệu lực sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng để loại bỏ một trong những mối đe doạ phổ biến nhất về nhiễm độc chì đối với trẻ em.

Bởi trên thực tế, một cuộc khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, sơn chì vẫn chưa được quản lý ở đa số các quốc gia, mặc dù mục tiêu toàn cầu là loại bỏ sơn chì vào năm 2020. Tính đến 31/5/2020, chỉ 39% quốc gia xác nhận đã có các quy định pháp lý để kiểm soát đối với sơn chì.

Tuy nhiên, nhiều quy định trong số đó vẫn chưa đủ bảo vệ sức khoẻ con người vì bao gồm các trường hợp miễn trừ, giới hạn lỏng lẻo, hoặc không được thực thi. Kết quả đạt được cho đến nay phần lớn là nhờ nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy và tạo động lực cho quá trình xây dựng các luật mới/quy định mới hoặc thúc đẩy việc thực thi các luật/quy định sẵn có ở gần 50 quốc gia trong 12 năm qua.

Một khảo sát mới đây do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển công bố, có tới gần 40% mẫu đồ chơi tại một trường mầm non có chứa chì. Hưởng ứng chiến dịch Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì 2020, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành các quy định để kiểm soát nồng độ chì trong sơn, đặc biệt là các loại sơn trang trí dùng cho nhà ở và trường học để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em.

Những đồ chơi được sơn nhiều mắc sắc rực rõ, đa phần đều không nằm trong danh mục bắt buộc kiểm tra chất lượng. Một nghiên cứu mới về hàm lượng chì trong sơn của đồ chơi trẻ em ở các trường mầm non và hộ gia đình cho thấy, có tới 40% mẫu sơn có chứa chì vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 - 6 lần. Dù chì có tác dụng trong việc chế tạo sơn nhưng lại có nguy cơ lớn với sức khỏe con người, nhất là trẻ em.

Lần đầu tiên, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn công nghiệp đã được đưa ra để thảo luận và nghiên cứu. Tuy nhiên, mức quy chuẩn lại đang đặt ra là ít hơn 600 mg/l, vẫn gây hại tới sức khoẻ. 

Loại bỏ sơn chì sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, giảm đáng kể số người chết và bệnh tật từ các hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nước và đất. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, đặc biệt là việc sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về giảm lượng chì trong sơn xuống mức an toàn tới sức khỏe con người.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, chì là kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của cơ thể - nhất là với sự phát triển trí tuệ, tinh thần của trẻ em. Kể cả với nồng độ chì thấp thậm chí dưới 5mcg/dL cũng có nguy cơ gây hại. Nhiễm độc chì gây teo não, yếu cơ, liệt cơ, ảnh hưởng đến tim mạch, nội tiết, phụ nữ mang bầu dễ sảy thai, thiếu máu…

Sơn chì là một trong những nguồn tiếp xúc chì phổ biến nhất ở trẻ em và có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn và không thể phục hồi ở não đang phát triển của trẻ em. Sơn chì có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) và khả năng tập trung, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi. Không có mức độ phơi nhiễm chì nào là không gây hại, do đó chúng ta cần nỗ lực phối hợp để cấm tất cả các loại sơn có chứa chì.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang