Cô dâu “méo mặt” vì trang điểm “dạo”

author 08:56 08/03/2013

(VietQ.vn)- Mùa cưới, các ảnh viện đều có chiêu “liên kết” với nhóm thợ trang điểm “dạo” để giảm chi phí cho các bộ ảnh cưới. Hầu hết các thợ trang điểm này đều ở mức qua đào tạo “sơ sơ” ở các lớp trang điểm ngắn hạn, đồ nghề là hàng mĩ phẩm trôi nổi, rẻ tiền.

Học “sơ sơ” 1 tháng là thành… chuyên gia

Các studio ảnh viện cũng mọc lên như nấm với giá cả ngày càng cạnh tranh hơn. Chi phí cho một bộ ảnh cưới, hai bức ảnh to treo trong phòng chỉ mất khoảng 4- 6 triệu đồng.

Ngoài ra còn tặng kèm dịch vụ cho thuê áo cưới, áo dài cô dâu, áo dài bê tráp và trang điểm miễn phí từ hôm ăn hỏi đến lễ cưới.

Tuy nhiên, với mức giá ngày càng cạnh tranh như vậy, các ảnh viện cũng đua nhau “cắt xén” để giảm chi phí. Hầu hết đội ngũ chụp ảnh và trang điểm đều ở dạng “bán chuyên nghiệp” hoặc “tay ngang” hoàn toàn.

Đa phần các ảnh viện có mức giá bình dân đều không có thợ “cứng” mà chỉ tuyển các thợ “liên kết” không chuyên nghiệp.

Các “chuyên gia” trang điểm này thậm chí chỉ cần học qua một khoá trang điểm ngắn hạn. Tùy theo yêu cầu của người học, mỗi khóa học trang điểm hiện nay có giá cả khác nhau.

Thấp nhất vài ba trăm ngàn, còn chuyên nghiệp hơn, bao luôn khách thực hành, bao mỹ phẩm kèm theo với cả trăm kiểu tóc khác nhau từ 1 – 3,5 triệu đồng/khoá.

Các khoá trang điểm này thường có thời gian ngắn hạn từ 1 – 3 tháng/khoá. Các thợ trang điểm sau khi hoàn thành một khoá “cấp tốc”, bỏ thêm vài ba triệu đồng để sắm đồ nghề là có thể “gia nhập” một ảnh viện áo cưới.

Thu nhập của các thợ dạng này khá thấp, nếu vào mùa đông khách, cao lắm cũng chỉ được 3 – 5 triệu đồng/tháng. Do đó, tiền đầu tư vào đồ nghề của thợ cũng khá “nghèo nàn”.

Đa phần đồ nghề của thợ trang điểm “dạo” đều là mĩ phẩm rẻ tiền
Đồ nghề của thợ trang điểm “dạo” đều là mĩ phẩm Trung Quốc rẻ tiền

 Thợ trang điểm tên Oanh, tại Ảnh viện áo cưới Viola cho biết “Tháng cuối năm khá đông khách nhưng mình chỉ thu được 3 triệu đồng do phải phụ thuộc vào tiền “ăn chia” với ảnh viện. Do đó, kể cả đi tỉnh xa, các thợ trang điểm cũng rất nhiệt tình. Đặc biệt là khi trang điểm “tại gia”, ngoài chi phí xăng xe, thợ trang điểm sẽ có thêm tiền nhờ vào việc make up, làm tóc cho mẹ cô dâu. Mỗi “sô” chạy như vậy cũng sẽ kiếm thêm 500.000 – 700.000 đồng”.

Cô dâu hỏng da vì make up

Theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam, dụng cụ hành nghề của thợ trang điểm có khá nhiều loại đồ. Từ bảng son, bảng màu mắt, bảng phấn nhiều tông màu cho đến các bộ mi giả, bộ cọ chổi…

Tuy nhiên, hầu hết đồ mĩ phẩm mà họ sử dụng đều là hàng Trung Quốc dạng “fake”, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Mỗi tháng, các thợ phải “đánh đấm” cho vài chục khuôn mặt nên việc mĩ phẩm chảy nước, mốc meo do không vệ sinh hoặc hết hạn sử dụng là chuyện “bình thường”.

Nhiều thợ có thể còn sử dụng chiêu thức "treo đầu dê, bán thịt chó" để đánh lừa khách hàng. Quảng cáo là dùng mĩ phẩm “xịn” nhưng thực chất chỉ tái sử dụng vỏ của các loại mĩ phẩm đắt tiền để dựng các loại son, phấn rẻ tiền.

Sau đó vẫn tính phí cho khách với mức giá cao. Tại các khoá trang điểm “siêu cấp tốc”, các thợ cũng chỉ được đào tạo “qua quít” về các trang điểm theo kiểu mẫu nào, che khuyết điểm, pha trộn tông màu sao cho bắt mắt chứ khâu “chăm soc” da thế nào thì do khách hàng tự… xử lí.

Tâm lý của cô dâu thì lúc nào cũng mong muốn mình là người đẹp nhất, xinh nhất, lộng lẫy và rạng rỡ nhất trong ngày chụp ảnh cưới thế nên họ rất hay nôn nóng và lo lắng ở khâu trang điểm.

Thế nên vào mùa cưới, những thợ trang điểm lúc nào cũng “đắt show” và tìm một người trang điểm cô dâu cho vừa ý mình quả không phải là điều dễ dàng.

Chị Hoàng Mai (Kim Mã, Hà Nội) chia sẻ “da mặt của mình khá nhạy cảm. Ngay cả đồ trang điểm mình mua cũng phải là của các hãng lớn như Chanel, Dior, Estee Lauder và phải mua ở nước ngoài. Thế nên đến hôm chụp ảnh cưới mình khá lo, đã phải dặn đi dặn lại các thợ trang điểm cố gắng dùng mĩ phẩm “xịn”. Nếu phải “bo” thêm tiền cũng được”.

Cuối cùng đến hôm đi chụp ảnh cưới, chị vẫn bị trang điểm khá đậm và loè loẹt với toàn các thể loại mĩ phẩm Trung Quốc trôi nổi.

Kết thúc buổi chụp ảnh, mặc dù đã về nhà tẩy trang, rửa mặt và đắp mặt nạ khá kĩ nhưng chị vẫn bị dị ứng tấy đỏ khuôn mặt.

Lo nhất là sắp đến ngày ăn hỏi, chị Mai vẫn còn phải “ôm” khuôn mặt tấy đỏ và nổi mụn. Thực tế, thị trường trang điểm cưới còn chưa được chuyên nghiệp và cung vẫn thiếu so với cầu.

Hiện nay các cô dâu chọn người trang điểm chụp ảnh cưới cho mình thường thông qua các ảnh viện studio. Do đó, cô dâu đều ở thế “bị động”, khó có thể chọn lựa phong cách trang điểm cũng như tìm được thợ ưng ý.

Tình trạng hàng trăm cô dâu giao phó “dung nhan” cho các thợ trang điểm “dạo”, “tặc lưỡi” vì phải dùng mĩ phẩm “fake” chung đụng, chảy nước là khá phổ biến.

Huỳnh Hiểu Minh
.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang