Cơ hội cải thiện mức tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm

author 18:48 25/10/2021

(VietQ.vn) - Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cơ hội cải thiện mức tăng trưởng vẫn khả thi vì đến nay, đại dịch cơ bản được kiểm soát và cả nước đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các động lực tăng trưởng của nền kinh tế suy giảm. Cụ thể, đầu tư công chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, trong khi đầu tư tư nhân giảm mạnh. Năm 2020, đầu tư công là bệ đỡ của tăng trưởng với mức tăng 34,5% thì 9 tháng năm 2021 mới giải ngân được hơn 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều tỷ lệ giải ngân hơn 56% so cùng kỳ.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phát huy được vai trò trong nền kinh tế, kể cả trong sử dụng nguồn lực nắm giữ và tác động cải cách thể chế để đẩy nhanh kế hoạch tái cơ cấu như kỳ vọng. Tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa của khu vực này vẫn rất chậm, từ đầu năm đến nay mới có ba phương án cổ phần hóa của ba doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt. Tăng trưởng đầu tư tư nhân giảm từ mức khoảng 15% đến 17%/năm của giai đoạn trước xuống chỉ còn 3,9% trong chín tháng năm 2021.

Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, cơ hội cải thiện mức tăng trưởng vẫn khả thi vì đến nay, đại dịch cơ bản được kiểm soát và cả nước đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nếu công tác chống dịch trong thời gian tới không làm đứt gãy lưu thông hàng hóa và sản xuất, sự hồi phục của kinh tế Việt Nam sẽ rất tốt. Hai động lực chính cho tăng trưởng trong quý IV là xuất khẩu và đầu tư công.

Trong đó, xuất khẩu dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các ngành sản xuất trong nước nối lại sản xuất và hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế thế giới thông qua việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Ðối với đầu tư công, Chính phủ đã có các giải pháp tập trung thúc đẩy giải ngân, nhất là các dự án mang tính trọng điểm quốc gia, dự án kết cấu hạ tầng, không chỉ tạo động lực cho tăng tưởng trong ngắn hạn mà còn có tác động trong cả dài hạn.

Ðặc trưng nổi bật của “cú sốc” kinh tế do đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta là tạo ra sự đứt gãy các liên kết trong toàn bộ nền kinh tế và các hoạt động của đời sống xã hội, dẫn đến đứt gãy sự kết nối giữa tổng cung và tổng cầu. Do đó, các giải pháp đề ra cần thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương và giữa trung ương với địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp...

Ngoài ra, trong các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến giải pháp quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trên cơ sở giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin, đơn giản hóa và điều phối các quy trình, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng như một số địa phương thời gian vừa qua.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang