Cơm niêu Kombo Singapore tự phong ‘hệ thống cơm số 1 Việt Nam’, chất lượng có như quảng cáo?

author 10:57 23/04/2023

(VietQ.vn) - Cơm niêu Singapore trực thuộc Công ty cổ phần Kombo được “loan tin” khắp mạng xã hội là hệ thống cơm “Số 1 Việt Nam” có dấu hiệu lừa dối khách hàng và vi phạm pháp luật?

Cụ thể, tại website https://kombo.vn/ đăng tải dòng triết lý của Ceo Nguyễn Phương Nam: “Kombo luôn nỗ lực không ngừng để mang những niêu cơm Singapore độc đáo, ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng đến với mọi thực khách trên khắp Việt Nam, đặt mục tiêu vươn xa hơn và sẽ là doanh nghiệp dịch vụ F&B do người Việt sáng lập có đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế” .

Nếu chỉ nhìn vào triết lý trên, số đông khách hàng sẽ đặt trọn niềm tin vào hệ thống cơm niêu Kombo Singapore với hi vọng được dùng món ăn chất lượng từ nhà hàng này. Có lẽ vậy mà dù chỉ hoạt động được vài năm, từ một thương hiệu lạ lẫm nay Kombo Singapore đã trở thành chuỗi nhà hàng với mạng lưới rộng khắp cả nước. Không những vậy, để thu hút khách hàng, tổ chức kinh doanh còn tự phong đây là “Hệ thống cơm số 1 Việt Nam”.

Cơm niêu Singapore được quảng cáo là hệ thống cơm số 1 Việt Nam là có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của người dùng về việc cơm niêu Singapore quảng cáo khác xa thực tế. Cụ thể, khách hàng tên H. cho biết, anh sử dụng dịch vụ trên ứng dụng Grab chọn mua sản phẩm cơm niêu bò sốt tiêu đen một mặt cháy tại hệ thống nhà hàng này.

Tuy nhiên, khi nhận sản phẩm chất lượng không giống những gì đơn vị này quảng cáo trên hệ thống Grab. Anh H. cho biết, anh đã đánh giá về sản phẩm này trên hệ thống Grabfood nhưng không biết chất lượng sản phẩm có cải thiện hay không. Bởi Grab chỉ là đơn vị trung gian bán sản phẩm.

"Việc quảng cáo là "số 1 Việt Nam" tôi nghĩ hơi quá. Bởi theo cá nhân tôi, chất lượng nhiều sản phẩm cơm niêu thương hiệu khác tốt hơn ở đây. Chưa kể, ở đây hình ảnh quảng cáo khác với thực tế sản phẩm nhận được nhưng hệ thống nhà hàng này không ghi dòng chữ 'hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho sản phẩm' như những đơn vị khác vẫn thường làm", vị khách hàng này chia sẻ.

 Người dùng cần tìm hiểu trước khi sử dụng món ăn tại hệ thống nhà hàng này?

Chưa kể, khi tra tên miền trên Hệ thống quản lý hoạt động điện tử của Bộ Công Thương thì không có dữ liệu. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, website thương mại điện tử bán hàng và website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử bắt buộc phải khai báo website với Bộ Công Thương.

Quy định ghi rõ, nếu sử dụng website để kinh doanh mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website để kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

 Danh sách nhà hàng được quảng cáo trên trang website

Theo Luật sư Nguyễn Sỹ Hoàng – Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý Hà Nội, việc hệ thống nhà hàng cơm niêu tự phong “số 1 Việt Nam” mà không có văn bản, giấy tờ chứng minh theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo.

Cụ thể: Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh là hành vi bị cấm. Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định hành vi quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số một” mà tổ chức, cá nhân cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể: Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Cũng theo luật sư, trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương không tuân thủ đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 81 Nghị định này. Theo đó, mức phạt cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định;...

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang