Còn tới 4.200 đường ngang ‘tử thần’ qua đường sắt

author 06:30 14/03/2015

(VietQ.vn) - Cả nước hiện còn tới hơn 4.200 đường ngang dân sinh trái phép chạy qua đường sắt, là mối nguy hiểm vô cùng lớn cho người dân.

Nguy hiểm khôn lường từ những điểm giao cắt đường sắt và đường dân sinh

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ TNGT nghiêm trọng ở Quảng Trị khiến lái tàu SE5 tử vong tại chỗ là do lái xe tải cố tính vượt đường sắt khi tàu đang chạy tới. Vụ tai nạn đã gây hậu quả nghiêm trọng, ông Lê Minh Phú, 53 tuổi, người lái tàu SE5 tử vong tại chỗ, tài xế xe tải và 2 hành khách khác bị thương trong vụ tai nạn.

Quang cảnh về vụ tai nạn khiến những người chứng kiến không khỏi bàng hoàng. Đầu máy D19E- 968 rời khỏi đoàn tàu và bị phá nát, 3 toa tàu trật bánh, 2 toa chở khách nằm ven quốc lộ, toa căng tin vắt ngang đường ray. Xe tải bị đứt đôi văng sang hai bên đường ray.

Ngoài thiệt hại về người, ước tính chi phí sửa đầu máy và toa xe hư hỏng cộng với chi phí sửa chữa hạ tầng, chuyển tải hành khách lên tới 23 tỷ đồng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe ô tô cố tình vượt đường ngang khi có cảnh báo có tàu đến. Tại vị trí tai nạn có hệ thống cảnh báo, điều khiển giao thông. Do tài xế lái xe ô tô không chấp hành tín hiệu đã điều khiển xe đi chuyển qua đường ngang dẫn đến tai nạn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, vụ việc được xác định là cực kỳ nghiêm trọng. Đây là một điều đáng buồn đối với ngành và tiếp tục là bài học cảnh báo cho lái xe không chấp hành luật an toàn giao thông.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trong ngày 12/3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đến thăm hỏi và hỗ trợ cho gia đình lái tàu Lê Văn Phú số tiền 30 triệu đồng, hỗ trợ cho phụ lái tàu bị thương Hồ Ngọc Hải số tiền 10 triệu đồng.

Mỗi vụ tai nạn đường thường gây hậu quả nghiêm trọng bởi không những về người mà còn tài sản mà còn làm ngưng trệ giao thông đường sắt, thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn. Điều đáng lưu tâm là nguyên nhân chủ yếu theo đánh giá của ngành đường sắt, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn này chủ yếu là do va chạm với các phương tiện và người điều khiển phương tiện đường bộ tại các điểm giao cắt với đường dân sinh.

Hình ảnh tàu hỏa đâm ô tô ở Quảng Trị

Vụ tàu hỏa đâm ô tô tại Quảng Trị đã khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt 1 ngày. Ảnh: VnExpress.net

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn thảm khốc đường sắt là do người điều khiển phương tiện đường bộ đâm vào đoàn tàu đang chạy. Nhiều trường hợp người điều khiển ô tô mất lái lao đầu vào đường sắt, tàu đi đến va phải hoặc người đi bộ trên đường sắt không chú ý gây tai nạn.

Hơn 4.200 điểm giao cắt trái phép

Thống kê của VNR, hiện đang tồn tại khoảng 6.000 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Trong đó, khoảng 4.200 đường ngang dân sinh mở trái phép, còn lại 1.600 đường ngang dân sinh có giấy phép. 

Liên quan đến an toàn hành lang đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 phải xử lý được 6.000 điểm giao cắt với đường dân sinh.

Giai đoạn 2011-2015, kế hoạch sẽ tập trung cho tuyến đường sắt Bắc- Nam và giai đoạn 2016-2020 tập trung cho tất cả các tuyến đường sắt trên cả nước.  Tuy nhiên, đã bước vào năm cuối của giai đoạn một nhưng cả nước vẫn tồn tại hàng nghìn nút giao cắt trái phép, không người gác, không cảnh báo.

Ông Đoàn Duy Hoạch cho rằng, rất khó để đóng lại những nút giao cắt trái phép trên do dọc hành lang đường sắt tuyến Bắc- Nam, người dân sinh sống hai bên rất nhiều. Nếu muốn đóng các điểm giao cắt này phải mở đường gom tập trung cho người dân qua lại.

Việc mở đường gom tập trung cho người dân qua lại cũng không hề đơn giản bởi liên quan đến kinh phí giải phóng mặt bằng và chính sách cũng như ngân sách của địa phương. Ngay như việc đóng đường ngang dân sinh giao cắt đường tàu ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội, dù đã xây dựng đường gom tập trung cho người dân đi nhưng vẫn vấp phải sự phản ứng quyết liệt. Chỉ khi chính quyền vào cuộc tuyên truyền, khuyên giải rất nhiều lần thì mới giải quyết ổn thỏa.

Về tiến độ thực hiện Quyết định 1856 của Chính phủ, ông Đoàn Duy Hoạch cho hay, kinh phí để xử lý 6.000 điểm giao cắt đường ngang với đường sắt (trong đó có hơn 4.200 đường ngang trái phép) là rất lớn. Ngoài sự quyết tâm của ngành đường sắt cũng cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, thậm chí xử lý các hộ dân tự ý mở đường qua đường sắt. Việc này cần thời gian chứ không thể làm được trong một sớm một chiều.

Trần Hoài


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang