Công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh lương thực

author 11:38 23/12/2015

(VietQ.vn) - Công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn...

Sự kiện: Chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh tại Hội thảo khoa học Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong giai đoạn mới, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN tổ chức sáng nay (23/12) tại Hà Nội.

Công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh lương thực

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, công nghệ sinh học là một ngành có khả năng tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của sinh vật với sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Đối với nước ta là một nước nhiệt đới đi lên từ công nghiệp với tiềm năng diện tích đất nông nghiệp trên 80% và hơn 60% dân số sống ở nông thôn thì công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sực khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công nghệ sinh học của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với một só nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Công nghệ sinh học của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của nhân dân. Ngành này còn chậm phát triển, chưa tạo ra được các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế quốc dân. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ sinh học còn chậm và chưa triệt để.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: “Để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, công nghệ sinh học cần được xác định là một ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp quan trọng trong sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung”.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở nước ta đã phát biểu những bài tham luận và đưa ra những ý kiến quý báu.

PGS. TS Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ - Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn toàn cầu hóa, nhất là các lĩnh vực liên quan như nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Để làm được điều đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải ưu tiên phát triển công nghệ sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế quốc dân. “Một trong những mục tiêu của chúng ta là phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng khoa học công nghệ sinh học trong các ngành chiếm 50% giá trị gia tăng do khoa học và công nghệ đem lại, tập trung chủ yếu và lĩnh vực y dược và nông nghiệp. Có ít nhất 100 doanh nghiệp công nghiệp công nghệ sinh học hoạt động hiệu quả, thay thế 50 – 70% các sản phẩm nhập khẩu tương tự”, PGS. TS Phạm Ngọc Linh nói.

Quan tâm đến lĩnh vực tế bào gốc, TS. Phạm Văn Phúc, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay, hiện trên thế giới, có hơn 5 tỷ USD sản phẩm tế bào gốc đã được bán, tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm. Trong thị phần này Việt Nam đang có rất ít. “Việt Nam chưa có ngành học về tế bào gốc nhưng thế giới đã rất phát triển, đặc biệt là Mỹ, đã có viện Tế bào gốc từ năm 1999, năm 2002, đại học Havard (Mỹ) có trung tâm tế bào gốc cực lớn. Ngoài ra, những trường đại học lớn của Mỹ đều có những viện tế bào gốc. Việt Nam con số này là không. Singapore, Malaysia… đều có các viện tế bào gốc. Trong khi đó, ở Việt Nam, ở TP.HCM có 21 cơ sở, Hà Nội có 20 cơ sở, ngoài ra chỉ có Huế, Nghệ An, Bình Dương có làm về tế bào gốc theo một thống kê đã rất “rộng tay””, TS. Phạm Văn Phúc nói.

Về khía cạnh ứng dụng thực tế của công nghệ sinh học trong đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, TS. Trần Văn Dũng, Công ty TNHH Saca Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm đi học hỏi về công nghệ sinh học ở các nước trên thế giới cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu các công nghệ nêu trên nhưng để thương mại hóa thì chưa làm được. “Tâm huyết của tôi là ở các nước xung quanh ta không có lợi thế nông nghiệp thì họ đương nhiên được sử dụng sản phẩm sạch, còn ở Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp thì không”, TS. Trần Văn Dũng nói. Theo TS. Trần Văn Dũng, chúng ta cần phải làm nông trại hữu cơ phục vụ ngay chính trong thị trường nội địa trước để đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho 90 triệu dân Việt Nam bởi đây là một nhu cầu rất bức thiết.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang