Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Thay đổi toàn diện phương thức, hoạt động kiểm tra
Hiệu quả từ truy xuất nguồn gốc bằng QR Code tại Ninh Bình
Lào Cai: Sinh viên nghi ngộ độc, khẩn trương truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trở thành thói quen của người tiêu dùng
Kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian qua toàn bộ lực lượng đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm về hoạt động kinh doanh qua TMĐT. Nhiều đối tượng có dấu hiệu vi phạm sử dụng website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc mạng xã hội để kinh doanh. Tới đây Cục QLTT các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra đối với các sai phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo thống kê của Tổng cục QLTT, 9 tháng năm 2024 (từ 15/12/2023-14/9/2024), lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 54.673 vụ, phát hiện, xử lý 38.107 vụ vi phạm (giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023), chuyển Cơ quan điều tra 138 vụ có dấu hiệu hình sự. Tổng số tiền xử lý là 715 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 370 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 169 tỷ đồng (tăng 12%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%).
Cần nhiều biện pháp phối hợp từ kiểm tra, thiết lập bộ lọc loại bỏ sản phẩm hay định danh người bán để chống hàng giả trên TMĐT. (Ảnh: ANTĐ)
Đáng lưu ý, lĩnh vực thương mại điện tử, trong 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng. Trong đó, vụ việc điển hình xảy ra mới đây là Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ QLTT kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do một hot TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các địa phương có số vụ xử lý cao, gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tiền Giang.
Cần thiết lập bộ lọc gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, định danh người bán
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cho biết, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước qua kênh TMĐT có xu hướng tăng dần về quy mô, số vụ việc. Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, cần thiết lập bộ lọc gỡ bỏ sản phẩm vi phạm.
Thực tế cho thấy, qua các vụ việc lực lượng QLTT kiểm tra và phát hiện, sản phẩm hàng giả, hàng nhái kinh doanh một số sàn, kênh TMĐT thường có giá rẻ, nhưng qua việc lăng xê, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, giá trị các mặt hàng sẽ đội lên nhiều lần. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng bán hàng gian dối, chất lượng kém sẽ xoá và thay đổi tài khoản, tiếp tục lập tài khoản khác.
Mặt khác, hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên kênh TMĐT thường được tổ chức chặt chẽ, bí mật như một vòng tròn khép kín từ địa chỉ cung ứng đến người tiêu dùng. Các đối tượng thường sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu thuế trên kênh TMĐT.
Tuy nhiên, việc xử lý hành chính chưa được triệt để trong khi lợi nhuận từ kinh doanh hàng giả đem lại cho các đối tượng là rất lớn. Theo các chuyên gia, cần có quy định rõ ràng đối với loại hình kinh doanh TMĐT, có sự ràng buộc về trách nhiệm giữa người bán hàng và người mua hàng.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT đề xuất: “Phải có sự định danh người bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Không phải chỉ định danh một cách đơn thuần và định danh điện tử mà phải định danh về mặt địa lý thực tế sản xuất hàng hoá, định danh được số lượng hàng.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Lê, ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, việc định danh cá nhân người bán hàng là giải pháp căn cơ, cần thiết và nên thực hiện sớm.
“Có những nền tảng xã hội chưa bắt buộc phải định danh và cho đăng ký bằng các tài khoản gmail. Việc định danh trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng cũng rất cần thiết bởi vì hiện nay vẫn còn hiện tượng sử dụng tài khoản ảo và số điện thoại ảo thậm chí là tài khoản ngân hàng cũng ảo… Vì thế, việc điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn”, ông Đỗ Hồng Trung cho biết.
Còn ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì cho rằng: “Định danh người bán hàng, sẽ giúp cơ quan Nhà nước quản lý được toàn bộ thông tin. Ví dụ như một người khi có định danh, họ mở một tài khoản, sàn TMĐT và nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả trên mạng khi đó họ bị xử phạt, định danh của họ sẽ bị khoá, đồng thời các sàn khác họ cũng khoá định danh đó, điều đó có nghĩa là họ không thể nào trốn được hành vi vi phạm, đó là cái cơ bản nhất”, ông Phan Minh Nhựt cho biết thêm.
Về lâu dài, giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ căn cơ, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời. Có nhiều hình thức tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích Nhân dân tố cáo, tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, Tổng cục QLTT cho biết, thời gian tới lực lượng QLTT tiếp tục thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7. Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
An Dương (T/h)