Tiếp nhận hồ sơ rà soát thuế chống bán phá giá sản phẩm Sorbitol nhập khẩu

author 15:31 25/12/2023

(VietQ.vn) - Biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc được áp dụng từ ngày 23/11/2021 và có thời hạn 5 năm, theo Quyết định số 2644/QĐ-BCT ngày 23/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Sorbitol là hóa chất có dạng chất lỏng màu trắng, không mùi và có vị ngọt giống đến 60% đường mía. Chúng hòa tan tốt trong môi trường nước và rượu nhưng không hòa tan trong dung môi hữu cơ.

Sorbitol là chất phụ gia được sử dụng khá phổ biến, thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt và được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng được dùng làm thuốc để điều trị các bệnh về tiêu hóa. Ngoài tên gọi là sorbitol, hóa chất này còn có các tên gọi khác như glucohexitol, sorbite, sorbol, glucitol và hexa-ancol. Sorbitol có công thức hóa học là C6H14O6.

Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc đã được Bộ Công Thương thực hiện từ ngày 23/11/2021 và có thời hạn 5 năm, theo Quyết định số 2644/QĐ-BCT ngày 23/11/2021.

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 12/2020 trên cơ sở đề nghị của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 9/2020. Kết quả điều tra chính thức cho thấy, lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc gia tăng đột biến. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc được áp dụng từ ngày 23/11/2021 và có thời hạn 5 năm. Ảnh minh họa 

Mức thuế chống bán phá giá đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Sorbitol của Ấn Độ là 52,75%. Riêng mức thuế đối với doanh nghiệp PT Sorini Agro Asia Corporindo, Sorini Towa Berlian Corporindo (Indonesia) là 44,39% và đối với tổ chức, cá nhân khác sản xuất Sorbitol xuất xứ từ Indonesia là 57,55%.

Mức thuế đối với Shandong Tianli Pharmaceutical Co.,Ltd (Trung Quốc) là 44,99% và tổ chức, cá nhân khác sản xuất, xuất khẩu Sorbitol xuất xứ từ Trung Quốc là 68,50%.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, phát triển nguồn nguyên liệu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày 22/12/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2849⁄QĐ-BCT về việc giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc.

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, sau 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo đề nghị của một hoặc nhiều bên liên quan trong vụ việc điều tra và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp.

Nội dung rà soát cuối kỳ được quy định chi tiết tại Điều 60 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Cục Phòng vệ thương mại thông báo tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát của vụ việc. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định này có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát.

Thời hạn Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 22/12/2023.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang