Cưỡng chế đất đai và quyền tác nghiệp của nhà báo

author 16:27 20/06/2012

(VietQ.vn) - Nhà Báo có quyền đến hiện trường các vụ cưỡng chế đất đai để tác nghiệp theo đúng quy định của Luật Báo chí. Xung quanh câu chuyện này, PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Cao - Chuyên gia pháp lý Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng).

Thưa ông, pháp luật có quy định nào cấm nhà báo tham gia đưa tin về diễn biến cưỡng chế thu hồi đất không?

Trước hết, liên quan đến pháp luật về báo chí, các quy định của Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi bổ sung năm 1999) và các văn bản hướng dẫn đều không cấm nhà báo đưa tin về việc cưỡng chế thu hồi đất. Đây là vấn đề bình thường, khi có cưỡng chế thu hồi đất thì nhà báo có quyền tham gia đưa tin về vụ cưỡng chế đó. 
 
Ngoài ra, theo quy định liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước, hiện không có quy định nào cho thấy hiện trường của vụ cưỡng chế thu hồi đất là “bí mật nhà nước” hay là “khu vực cấm” mà nhà báo không được có mặt. 
Cưỡng chế đất đai ở vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng) có sự tham gia tích cực của cơ quan báo chí
Trong vụ cưỡng chế đất đai gia đình ông Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), báo chí đã tham gia tích cực khi chỉ ra nhiều sai sót trong quá trình thực hiện của các cấp chính quyền ở Hải Phòng
 
Tại Điều 1, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước nêu rõ: “Bí mật nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
 
 
Báo cáo của Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: trong 2 năm gần đây, cả nước đã xảy ra 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp. Trong số này chỉ có 4 vụ được khởi tố, 1 vụ có khởi tố và có tin xét xử. Đặc biệt, từ đầu năm 2010 tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp tăng cao, diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng đặc biệt là vụ PV Trần Thế Dũng, báo Người lao động bị nhóm côn đồ tấn công tập thể đến ngất lịm rồi ngang nhiên thách thức, chở thẳng đến đồn công an khi đang thực hiện phóng sự về tình trạng buôn lậu qua biên giới tại Kéo Kham – Lạng Sơn dịp giáp Tết Canh Dần. Mới đây nhất là vụ hành hung 2 Nhà báo VOV khi tham gia tác nghiệp tại vụ cưỡng chế đất Văn Giang (Hưng Yên). Các vụ trên đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo đang tác nghiệp, thể hiện sự thách thức kỷ cương phép nước, thách thức ý chí chống tiêu cực của nhà báo. Đáng tiếc là các vụ khởi tố trên đều theo Điều 104 Luật Hình sự (Cố ý gây thương tích) mà chưa có vụ nào khởi tố theo điều 257 (Chống người thi hành công vụ).
 
 
Hiện trường của vụ cưỡng chế thu hồi đất cũng không thuộc một trong những “khu vực cấm, địa điểm cấm” được quy định tại Điều 2, Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đồng thời, nếu là khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm" để người dân, nhà báo không đến đó, hoặc nếu họ có mặt phải được sự cho phép theo quy định. 
 
Ông có thể nói rõ hơn là nhà báo, hay nói chung là báo chí không được tác nghiệp, thông tin về những vấn đề gì?
 
Điều này đã được quy định rõ tại Điều 10 Luật Báo chí, hướng dẫn rất cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể những điều không được thông tin trên báo chí có thể dễ dàng liệt kê ra đây bao gồm: 
 
1. Không được đăng, phát những tác phẩm báo chí, nghệ thuật, văn học, tài liệu trái pháp luật, có nội dung chống đối Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phá hoại khối đoàn kết toàn dân.
 
2. Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác. Không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
 
3. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).
 
4. Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó. Đối với tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật thì cơ quan báo chí thực hiện theo quy định tại khoản 6 điều này.
 
5. Không được đăng, phát tin, bài truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan. Đối với loại thông tin về những vấn đề khoa học mới chưa được kết luận, những chuyện thần bí thì cần có chú dẫn xuất xứ tư liệu (nguồn gốc tác phẩm, nơi công bố, thời gian).
 
6. Việc sử dụng các văn kiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000. Đối với văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó. 
 
Như vậy, pháp luật vẫn cấm nhà báo, cơ quan báo chí đưa tin đối với những vấn đề nêu trên. Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, nếu nhà báo làm rõ diễn biến để cho thấy nguyên nhân vì sao người dân phản ánh, vì sao người dân chưa đồng thuận như là giá đền bù chưa thỏa đáng chẳng hạn sẽ là kênh thông tin rất hữu ích để cơ quan có thẩm quyền của nhà nước qua đó nhìn thấy được những hạn chế, bất cập của pháp luật đất đai để sửa đổi, bổ sung cũng là điều rất đáng ghi nhận. 
 
Như vậy, nhà báo có quyền đến hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất và có quyền đưa thông tin về vụ việc cưỡng chế đó?
 
Điều 15 Luật Báo chí và Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ các quyền của nhà báo. Theo đó, nhà báo có quyền hạn tác nghiệp ở phạm vi rộng lớn trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài, tất nhiên là ngoài những phạm vi theo quy định của pháp luật là cấm nhà báo tác nghiệp. Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 
 
Do vậy, trường hợp tác nghiệp để đưa tin một cách trung thực, khách quan về một vụ cưỡng chế thu hồi đất là góp phần thực hiện sứ mệnh thông tin trung thực về vụ việc có tính thời sự đang diễn ra; và điều này cũng thể hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận quy định tại Điều 4 Luật báo chí. 
 
Điều đó nghĩa là những người hành hung nhà báo đã có hành vi trái pháp luật?
 
Như đã nói trên, không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Không chỉ nhà báo, mà bất kỳ công dân nào cũng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đó là những quyền nhân thân cơ bản được quy định rõ trong Bộ luật dân sự 2005. 
 
Theo ông, cần làm những gì để bảo vệ nhà báo trong những vụ việc tương tự?
 
Thực tế pháp luật đã có những quy định để bảo vệ nhà báo, nhưng rất nhiều trường hợp trong thực tế đời sống không phải quy định pháp luật nào cũng được áp dụng, tuân thủ. Cần phải sớm làm rõ hơn nữa những ai đã tham gia đánh nhà báo.
 
Nếu như vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ là các nhà báo đã bị đánh như những thông tin, hình ảnh mà tất cả chúng ta đều thấy trên các phương tiện thông tin những ngày qua, thì rõ ràng pháp luật đã bất lực. Không chỉ cần phải bổ sung hơn nữa các quy định chặt chẽ để bảo vệ nhà báo, mà điều cần trước hết là làm sao cho pháp luật về bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo được tuân thủ. 
 
Nếu bất cứ trường hợp nào trong đời sống cũng diễn ra theo cách đó, với không chỉ nhà báo, không chỉ trong một vụ cưỡng chế thu hồi đất thì quá nguy hiểm cho xã hội. 
 
Xin cảm ơn ông!
 
Mai Tuân (thực hiện)
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang