Chiến lược mở rộng thị trường cho đặc sản nhãn chín muộn Hà Nội

author 15:56 23/08/2018

(VietQ.vn) - Sở NN&PTNT Hà Nội đang có chủ trương mở rộng thị trường tiêu thụ đặc sản trái cây, trong đó có nhãn chín muộn. Đây sẽ là cơ hội lớn để loại quả này được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Nhãn chín muộn - đặc sản chủ lực của Hà Nội

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất mới, nâng cao năng suất, chất lượng, Sở NN&PTNT Hà Nội luôn coi trọng việc tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân.

Một trong những chiến lược phát triển mà Hà Nội đang xúc tiến chính là mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây đặc sản nổi tiếng chính là nhãn chín muộn.

 Nhãn chín muộn của Hà Nội sẽ được mở rộng thị trường tiêu thụ.

 Nhãn chín muộn của Hà Nội sẽ được mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhãn chín muộn là một trong 4 loại quả nằm trong Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản và chủ lực của Hà Nội. Từ lâu loại quả này đã được xuất khẩu sang một số nước lớn như Mỹ. Đây là giống cây có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống nhãn khác. Trong đó, giống nhãn chủ yếu của Hà Nội là HTM1 và HTM2, tập trung trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng…

Tổng diện tích trồng nhãn tại các huyện trên địa bàn Hà Nội chiếm khoảng 1.722 ha, sản lượng ước tính đạt 25.000 tấn, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng. Với số lượng lớn này nhãn chín muộn chiếm khoảng 16% so với doanh thu từ các loại cây ăn quả của Hà Nội.

Trong đó, các giống nhãn như nhãn sớm, nhãn ta, nhãn miền thiết, nhãn thóc chiếm diện tích khoảng 1.100 ha, trồng tại các vùng Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức. Còn lại khoảng 600 ha là nhãn chín muộn được trồng tập trung tại các vùng ven sông Đáy như huyện Quốc Oai ở xã Đại Thành, diện tích nhãn chín muộn là 165 ha. Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, bao gồm các xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương, diện tích là trên 160 ha. Vùng Lam Điền, Thụy Hương - huyện Chương Mỹ diện tích nhãn chín muộn là 50 ha.

Chiến lược phát triển thị trường nhãn chín muộn Hà Nội

Nói tới kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường cho quả nhãn chín muộn tới các thị trường quốc tế tiềm năng, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa bằng được quả nhãn chín muộn sang nhiều nước trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm, ngành nông nghiệp Hà Nội đã quy hoạch vùng phát triển nhãn chín muộn đến năm 2020. Theo đó, nhãn chín muộn Hà Nội sẽ tập trung phát triển tại một số vùng ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai (xã Đại Thành) và huyện Hoài Đức (các xã: An Thượng, Đông La, Song Phương) với diện tích hơn 250ha; vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Chương Mỹ (các xã: Lam Điền, Thụy Hương) với diện tích quy hoạch 100ha.

Bên cạnh những diện tích trên thì Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã chứng nhận, quản lý khoảng 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng và vườn cây đầu dòng tại Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức, Hợp tác xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Đây được coi là nguồn cung cấp cây giống chất lượng cao cho các vùng nhãn chín muộn của Hà Nội theo quy hoạch.

Hà Nội: Công bố đường dây nóng 'tố' vi phạm ATTP Tết Trung thu(VietQ.vn) - Khi phát hiện cơ sở vi phạm quy định về sản xuất bánh Trung thu, người tiêu dùng có thể thông tin ngay về Đường dây nóng để lực lượng chức năng tiếp nhận xử lý.

Từ quy hoạch trên, Hà Nội định hướng diện tích sản xuất nhãn chín muộn toàn thành phố sẽ đạt trên 1000 ha vào năm 2020. Bên cạnh kế hoạch mở rộng diện tích, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín muộn trên giống nhãn cũ có năng suất, chất lượng thấp và xây dựng các vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững kết hợp với du lịch sinh thái.

Đề cập tới vấn đề mở rộng thị trường nhãn chín muộn của Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, Hà Nội có tiềm năng lớn về phát triển cây ăn quả, trong đó nhiều cây cho giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn. Dự án phát triển này chính là cơ hội lớn, do đó cần phải tích cực kết nối sản xuất, tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm nhãn chín muộn.

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cùng ký kết thu mua sản phẩm cho người dân để đảm bảo nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo việc liên kết một cách bền vững, tránh tình trạng được mùa rớt giá. Ở các địa phương cần tích cực hướng dẫn người dân canh tác một cách khoa học, đảm bảo các tiêu chuẩn về nông sản, hướng tới sản xuất để xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.

Trong một diễn biến liên quan tới việc xuất khẩu trái cây sang thị trường quốc tế, trước đó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, việc xuất khẩu trái cây của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi đó mô hình sản xuất chủ yếu là vườn tạp, rất ít vườn chuyên canh với diện tích lớn. Chính bởi nguồn nguyên liệu không ổn định dẫn tới doanh nghiệp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Do sản xuất nhỏ lẻ, nguồn giống, quy trình chăm sóc không đồng đều dẫn tới một số mặt hàng chưa bảo đảm tiêu chuẩn khi xuất khẩu.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất trái cây của Việt Nam còn yếu nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chiếm hơn 30%. Mặt khác, cước phí vận tải hàng trái cây của Việt Nam cũng cao so với các nước (10-15%) nên sức cạnh tranh kém... Vì thế, để đáp ứng được những yêu cầu của thị trường quốc tế trái cây của Việt Nam cần phải khắc phục được những điểm yếu trên mới có cơ hội lớn cho trái cây đặc sản tới được bạn bè quốc tế.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang