Đại biểu QH lý giải vì sao chưa loại được công chức “cắp ô”

author 16:03 21/10/2014

(vietQ.vn) - "Hiện nay có xu hướng lấy số lượng cán bộ công chức để bù đắp lại yêu cầu về nâng cao chất lượng nên có chuyện bao nhiêu cán bộ công chức không làm được việc đến nay vẫn chưa xác định được”

Trong ngày hôm nay, 21/10, Quốc hội tập trung thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm nay và nhiệm vụ năm 2015, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Cải cách chế độ công vụ chưa hiệu quả

Tại phiên thảo luận, Các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề xã hội mà cử tri và dư luận đang quan tâm như giải quyết việc làm, chế độ tiền lương còn nhiều bất cập, an ninh trật tự và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng án oan sai; việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế gặp nhiều khó khăn, thi hành án dân sự còn nhiều thiếu sót, hạn chế.

Trước đó trong Báo cáo Chính phủ trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định: “Cải cách hành chính và hoàn thiện hệ thống luật pháp chưa theo kịp yêu cầu. Kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm. Hiệu quả công tác kiểm tra thanh tra còn hạn chế. Chưa có chính sách đủ mạnh để phát triển nhanh và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Khó xác định lượng công chức không làmđược việc khi đầu vào chỉ tuyển cho đủ số lượng (ảnh nộp hồ sơ tuyển công chức tại Hà Nội)

Qua đây, Thủ tướng nêu giải pháo: Đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ công và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.Tập trung cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Tiếp tục thực hiện Đề án cải cách công vụ công chức.

Đề cập vấn đề cải cách bộ máy cán bộ công chức, viên chức và chế độ công vụ, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định: “Nếu chúng ta không có đội ngũ cán bộ công chức viên chức có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thực tiễn thì sẽ không thể đạt được những thành tựu như mong muốn đã xác định trong Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.”

Theo nữ đại biểu, báo cáo của Chính phủ đánh giá về cải cách hành chính  còn mờ nhạt. Thực tế trong những năm vừa qua, nước ta có những tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính nhưng cải cách về bộ máy và chế độ công vụ thì chưa đạt được kết quả nổi bật.

“Số lượng các bộ ngành không đổi nhưng bộ máy bên trong ngày càng phình ra. Hiện nay có xu hướng lấy số lượng cán bộ công chức để bù đắp lại yêu cầu về nâng cao chất lượng nên có chuyện bao nhiêu cán bộ công chức không làm được việc đến nay vẫn chưa xác định được”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.

Lo ngại “sức bền” của nền kinh tế

Thảo luận về tình hình kinh tế nước ta, nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ thời gian qua. Nếu như năm 2011, lạm phát ở mức 18,13% thì đến nay giảm chỉ còn khoảng 5%, nhờ đó lãi suất ngân hàng giảm; đặc biệt trong khi lãi suất huy động giảm sâu thì huy động vốn vào trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng, đó là thành công lớn. Bên cạnh đó cán cân thương mại của nước ta từ nhập siêu đã chuyển sang cân bằng và xuất siêu, cán cân vãng lai được cải thiện rõ rệt đã làm tăng uy tín về tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế và cải thiện thị trường ngoại hối.

Tuy cán cân thương mại chuyển sang xuất siêu song đại bểu vẫn lo ngại sự bền vững của nền kinh tế trong nước

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi chậm, trong 4 năm qua tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,7% là chưa phát huy hết tiềm năng của đất nước. Nguyên nhân khách quan là do chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét.

Tuy nhiên, về chủ quan, đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại về độ mở rất cao của nền kinh tế nước ta đang ở mức lớn nhất trong khu vực ASEAN với mức 154%. Điều này sẽ đe dọa đến sự bền vững của nền kinh tế trong nước và dễ dẫn đến sự lệ thuộc nhiều vào bên ngoài khi nền kinh tế và những bất ổn chính trị khó lường đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo đại biểu thì hiện nay kim ngạch xuất khẩu của nước ta khoảng 294 tỷ USD/1 năm trong khi đó GDP vào khoảng 200 tỷ USD là chưa cân đối, cần tập trung vào thúc đẩy kinh tế trong nước với thị trường tiềm năng hơn 90 triệu dân; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Ghi nhận những cố gắng của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, các đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn các yếu tố bền vững, giải quyết các “điểm nghẽn” của nền kinh tế như nợ xấu, hàng tồn kho... Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh), để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, không nên sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước vì khi ngân sách đang bội chi; mà nên mượn từ nguồn vốn quỹ cổ phần hóa và các quỹ tập trung; thậm chí Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng những nguồn đang quản lý, trừ ngân sách để giải quyết nợ công.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang