Đánh bạn dã man: Lãnh đạo ngành Giáo dục cũng 'sốc'

author 08:24 13/03/2015

(VietQ.vn) - Nói về clip đánh bạn dã man, PGS văn Như Cương nói: Một số học sinh hiện nay đang có xu hướng thích làm anh chị, làm đại ca, bị hấp dẫn bởi khái niệm "lấy số".

Mới đây, một đoạn clip được đăng tải trên mạng cho thấy, một nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh) bị nhóm học sinh (phần đông là nữ) đánh đập dã man. Trong số 7 học sinh đánh bạn có nữ lớp trưởng.

Tìm hiểu thêm được biết, sự việc xảy ra trước giờ học buổi chiều ngày 13/1, tại trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Gần hai tháng sau nhà trường và gia đình mới biết chuyện. Lúc này clip đã lan tỏa trên mạng xã hội.

Trong clip, nạn nhân khóc nức nở khi liên tiếp bị nhóm bạn nữ đánh tới tấp, cầm ghế nhựa đập vào đầu. Thậm chí, một nam sinh bê nguyên chồng ghế ném về phía nạn nhân. Người quay lại clip miêu tả “máu me tùm lum”.

Đánh bạn dã man: Xu hướng

Ảnh Clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh.

Thích "chơi trội"

Là người nhiều năm trăn trở với nền giáo dục nước nhà, mọi thông tin về lĩnh vực này được PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) tường tận như lòng bàn tay.

“Tôi đã xem clip và rất căm phẫn, bức xúc, ngạc nhiên vì hành động đánh hội đồng của nhóm nữ sinh. Chúng mới là những đứa trẻ hơn 10 tuổi mà đã hùng hổ, dã man như thế là điều khó hiểu. Càng ngày càng có nhiều vụ đánh bạn dã man và thật ngạc nhiên là nữ chiếm phần đông”.

Theo ông, mấy năm gần đây, hiện tượng đánh nhau hội đồng trong lớp học xuất hiện với tần suất ngày một nhiều. Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau lòng này có thể là do công nghệ thông tin phát triển mạnh, xung quanh học sinh có quá nhiều kênh thông tin xã hội. Những học sinh kém bản lĩnh dễ bị du nhập những thói xấu và hành động bạo lực. Hơn nữa, tâm sinh lý lứa tuổi này đang có nhiều biến động khiến chúng dễ bị lôi kéo, kích động và thích thể hiện.

Tuy nhiên, ông Cương tỏ ra không hài lòng bởi cách quản lý học sinh của trường THCS Lý Tự Trọng bởi sự việc đã xảy ra 2 tháng mà nhà trường không biết. Điều này được PGS nhấn mạnh là "thiếu trách nhiệm".

"Nhà trường quá vô trách nhiệm khi nói không biết chuyện, chứng tỏ cách quản lý, giáo dục học sinh đang có vấn đề. Hay họ ém nhẹm thông tin thì quá nguy hiểm?", PGS Cương ái ngại.

Đối với trường hợp này, ông Cương cho rằng, kỷ luật là hình thức giáo dục học sinh tốt nhất trong trường học từ trước tới nay.

“Nếu là lãnh đạo nhà trường, tôi sẽ phát clip đó cho học sinh xem và tự do bình luận. Qua đó sẽ yêu cầu học sinh phân tích đúng, sai”, ông Cương nối.

PGS Văn Như Cương cho biết, học sinh vốn rất hiếu động nhưng nếu như ngày trước, các em đánh nhau, trêu trọc nhau xong là thôi, không thù hằn, để bụng, kết bè tạo phái thì ngày nay, một số học sinh có xu hướng thích làm anh chị, đại ca... Các em thích thể hiện, "chơi trội", tỏ ra là con nhà "đại gia", muốn tạo sự khác biệt.

Bộ Giáo dục cũng "sốc" 

Trao đổi với báo chí chiều 12/3 về sự việc này, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV GD-ĐT cho biết, thông qua báo chí cũng mới biết sự việc này.

“Khi xem xong Clip, tôi rất “sốc” về hành động đối xử với bạn của các em học sinh này. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT Trà Vinh báo cáo rõ sự việc và hướng xử lý”, ông Duy Anh cho biết.

Ông Ngũ Duy Anh cho hay, Bộ GD-ĐT rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo việc giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, trong đó có tình trạng học sinh đánh bạn; Ban hành các quy định về quản lý học sinh, sinh viên, điều lệ nhà trường …

Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học, trong đó xác định trách nhiệm của nhà trường, cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống bạo lực trong trường học.

Về hướng xử lý xử lý những học sinh tham gia đánh hội đồng nữ sinh, ông Duy Anh cho rằng, đối với đang ở độ tuổi mới lớn, cần cân nhắc, thận trọng hình thức xử lý kỷ luật. Hình thức xử lý cần phù hợp, mang tính giáo dục răn đe để các cháu tiến bộ. 

Bên cạnh đó, tùy vào mức độ vi phạm của học sinh, đối chiếu với các quy định hiện hành, nhà trường sẽ có hình thức xử lí phù hợp mang tính chất răn đe, giáo dục. Trường cũng cần rút kinh nghiệm trong việc quản lí, giáo dục học sinh; trong việc phối hợp giữa nhà trường-gia đình trong giáo dục các em trong độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Phải theo dõi các biểu hiện hàng ngày của các em để kịp thời có biện pháp can thiệp.

 

Trà Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang