Đẩy mạnh ứng dụng mã số mã vạch vào truy nguồn gốc hàng hóa ở chợ đầu mối

author 11:30 10/07/2018

(VietQ.vn) - Với công nghệ mã số mã vạch, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông tại các chợ đầu mối.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Nhiều chướng ngại cản bước phát triển chợ đầu mối

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hiện nay, mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam hiện nay mặc dù đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại chưa tương xứng với vai trò quan trọng và yêu cầu phát triển.

Nguyên nhân đầu tiên là do nguồn vốn đầu tư cho một số chợ đầu mối còn khá cao (trung bình 40 tỷ đồng), trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước giữ vai trò quan trọng đối với xây dựng và phát triển mạng lưới chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ đầu mối chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

Về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mỗi còn hạn chế và chưa phù hợp, đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng...) 

Vấn đề chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn là khó khăn chung của nhiều chợ đầu mối ở Việt Nam. Ảnh: Phong Lâm 

Bên cạnh đó, dù đã đáp ứng nhu cầu về không gian mua bán, lưu giữ hàng hóa trong ngày nhưng diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa trong các chợ còn hạn chế. Một số chợ diện tích quá nhỏ và đã trở nên quá tải, nhất là vào thời điểm mùa vụ, làm hạn chế lượng hàng hóa và xe cộ lưu thông qua chợ.

Ngoài ra, đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thông (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ phân loại, bao gói, bảo quản hàng hóa nông sản; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường; dịch vụ quảng cáo, dịch vụ kế toán... hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn.

Việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế. Ở nhiều nơi, các loại hàng hóa là rau củ, quả phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ, do đó còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị. Phần lớn hàng hóa tại siêu thị chủ yếu được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất có thương hiệu.

Nguồn hàng tại các chợ đầu mối cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết. Các chợ hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng…

Cuối cùng, các công trình xây dựng chợ đầu mối đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt về địa điểm xây dựng như có diện tích đất lớn, thuận lợi giao thông thủy, bộ. Ngoài ra, các công trình hạ tầng chợ còn liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Trong khi quỹ đất của nước ta ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Kiểm soát nguồn gốc hàng hóa chợ đầu mối bằng mã số mã vạch

Trong các giải pháp để phát triển chợ đầu mối nói chung và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng, theo một số chuyên gia, cần phải làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Bùi Bá Chính - Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là hai yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của chợ đầu mối hiện nay.

Truy xuất nguồn gốc không đơn thuần chỉ là việc dán tem, mà là quản lý toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Hoạt động này phải hỗ trợ được việc buôn bán, trao đổi thông tin thương mại, xuất nhập khẩu đồng thời tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo thị trường lành mạnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc có thể hỗ trợ cho quản lý Nhà nước trong chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng.

Ông Bùi Bá Chính cho rằng việc ứng dụng công nghệ mã số mã vạch là giải pháp quan trọng để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm ở chợ đầu mối. Ảnh: Phong Lâm  

Cũng theo ông Chính, hiện mã số mã vạch đang là công cụ hữu ích giúp bảo vệ được nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trong việc xác định chất lượng, giá trị sản phẩm đúng như công bố. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký mã số mã vạch, giúp người sản xuất và người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, việc gắn mã số mã vạch là yêu cầu của nhiều quốc gia nhập khẩu. Vì vậy, gắn mã số mã vạch sẽ giúp hàng hóa tại các chợ đầu mối có khả năng xuất khẩu được tốt hơn.

Tuy nhiên, hầu hết các chợ đầu mối chưa ứng dụng công cụ này do người sản xuất còn e ngại và hầu như chưa tiếp cận được với công nghệ hiện đại.

“Hiện chỉ có rất ít chợ đầu mối áp dụng việc truy xuất nguồn gốc. Chúng ta tuy đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở TP. Hồ Chí Minh và có nhiều chợ đầu mối đang được sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. Nhưng các công ty này chưa làm theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu mà chỉ đơn thuần làm theo yêu cầu nhỏ lẻ của các doanh nghiệp”, ông Chính cho biết.

Ông Bùi Bá Chính cho biết, thời gian tới, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn, giúp cho việc quản lý sản phẩm, hàng hóa ở chợ được tốt hơn.

Bảo Lâm

Kiểm soát chất lượng sản phẩm tại chợ đầu mối còn nhiều lỗ hổng(VietQ.vn) - Theo ông Nguyễn Văn Hội, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, nguồn gốc hàng hóa tại các chợ đầu mối hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang