ĐB Trương Văn Vở: Đừng sợ vay nợ mà không xây sân bay Long Thành!

author 07:05 15/11/2014

Trước mối băn khoăn về chuyện nguồn tiền đâu "đổ" vào đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thì có ý kiến ĐBQH nói thẳng, dù có phải đi vay nhưng hiệu quả thì vẫn cần phải làm.

Mười ngày sau thảo luận ở tổ, chiều 14/11, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây cũng là phiên được chờ đợi nhất trong nội dung ngày làm việc hôm nay của Quốc hội.

Chưa có sân bay 5 sao nhưng chất lượng phải 5 sao

Nghiên cứu kỹ tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bày tỏ, việc xây dựng cảng hàng không đoàng hoàng xứng đáng tầm cỡ khu vực là cần thiết, nhất thiết phải tiến hành. Song ông cũng băn khoăn về nguồn vốn đầu tư. 

ĐB Nghĩa cũng nhắc nhớ lại những bài học kinh nghiệm chua xót khi triển khai những dự án xây dựng cơ bản trước đây thiếu đồng bộ nên tuổi thọ công trình thường không dài, liên tục phải sửa chữa khiến đội vốn, mất thời gian.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): Trước khi có sân bay Long Thành thì phải củng cố ngay dịch vụ tại 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài 

Theo ông, xây dựng nhưng chưa phải thời điểm hiện nay, vì cần thiết chứ chưa thật cấp thiết. Đất nước đang khó khăn chưa có điều kiện để tập trung vào đầu tư một dự án lớn như vậy.

“Số tiền đầu tư 18,7 tỷ USD là số tiền quá lớn, lấy tiền đâu ra để đầu tư? Vẫn còn những con đường, tiền lương cho người lao động chân chính đang chật vật với đồng lương thấp… cần phải tăng. Khi chưa có tiền tăng lương cho mọi đối tượng thì chưa xây dựng Long Thành”- ĐB Nghĩa nói, "Thay vào đó, trong lúc chờ đợi chưa có sân bay Long Thành thì ngành giao thông vận tải cần khẩn trương nâng cấp và cải tiến dịch vụ 2 sân bay quốc tế hiện có là Tân Sơn Nhất, Nội Bài".

“Bộ trưởng Đinh La Thăng nên đến sử dụng các quầy ăn bình thường nhất ở 2 sân bay này để xem tại sao bị xếp hạng tệ nhất thế giới, nghe rất xót xa. Nếu không phải sân bay 5 sao thì chất lượng phục vụ phải 5 sao. Sân bay quốc tế các nước liên tục cải thiện dịch vụ vì sao ta không làm được. Trong lúc chờ  sân Long Thành thì hãy đầu tư cho 2 sân bay này” - ông Nghĩa kiến nghị.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc bấm nút thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành là một quyết định khó khăn của ĐBQH. Nếu quyết định không bấm nút thì thấy chưa yên tâm mà nếu bấm nút cũng còn điểm “gợn”.

Là người có kinh nghiệm tham gia quy hoạch vùng quy hoạch trọng điểm kinh tế phía Nam, ĐB Lịch khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thiết phải có thêm một sân bay quốc tế, bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, nếu không thì giao thông vùng này sẽ bị nghẽn sau năm 2025.

“Chủ trương phải làm sân bay Long Thành là cần thiết, nhưng đã cấp thiết hay chưa thì phải tính toán kỹ”- ông nói.

Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), sân bay Long Thành cần thiết vừa cấp thiết. Cần thiết vì 90 triệu dân đang trên đà hội nhập không thể không có một sân bay tầm cỡ quốc tế. Cấp thiết vì hàng không quốc tế bùng nổ, xu hướng chung là phát triển hàng không trung chuyển còn các hàng không khác là vệ tinh. 

Khả năng mở rộng của Tân Sơn Nhất gần như bất khả thi do sân bay nằm trong khu dân cư đông đúc. Mở rộng Tân Sơn Nhất phải đối diện với bài toán hóc búa di dời tới nửa triệu người; về vùng trời chồng lấn với vùng không lưu của Biên Hòa, Campuchia. Nên giải quyết được bài toán dưới đất thì cũng “đụng” bài toán trên không.

Về lo lắng nguồn vốn xây dựng cho sân bay Long Thành, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho là có căn cứ khi nợ công quốc gia đã tới ngưỡng; những vết gợn về việc đất của Tân Sơn Nhất bị “xẻ” một phần ra làm sân golf.

ĐB Thường nêu 3 điểm “mờ” cần hoàn thiện và làm rõ về dự án. Thứ nhất về tổng nguồn vốn hơn 18,7 tỷ USD riêng giai đoạn 1 huy động vốn từ ngân sách Nhà nước, vay ODA và một phần xã hội hóa. Nhưng thực chất nhiều khoản vay sẽ do Chính phủ bảo lãnh, vì vậy Chính phủ cần làm rõ để dư luận và ĐBQH đỡ băn khoăn.

Thứ 2 là phải rất cân nhắc lựa chọn phương án phân kỳ đầu tư và lựa chọn đầu tư hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. Điểm “mờ” thứ 3 là cần chuẩn bị kỹ phương án khai thác sân bay Long Thành làm sao hiệu quả cao nhất.

Dù tổng nguồn vốn đổ vào xây dựng sân bay Long Thành tới 18,7 tỷ USD và nhiều ý kiến ĐB bày tỏ sự lo lắng “nợ công đang cận kề ngưỡng vượt trần thì lấy tiền đâu ra mà xây dựng?”, thì ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, dù có vay thì cũng nên làm.

ĐB Trương Văn Vở: Đừng sợ phải vay nợ mà không đầu tư. Có phải đi vay cũng nên làm

“Đừng sợ vì nợ mà không làm gì cả, cái chính là thu xếp khả năng trả nợ như thế nào”.- ĐB Vở tự tin. Ông chỉ ra hàng loạt dự án đường cao tốc đã và đang triển khai như Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa, Phan Thiết - Lâm Đồng kết nối với TP.HCM như điểm cộng cho tính khả thi của dự án sân bay này.

Xây sân bay hay “xây” lòng tin?

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi, đề án là “vẽ” cho tương lai nhưng mới là những gì dự kiến. Liệu ai dám khẳng định chắc chắn mấy chục năm tới sẽ làm ăn có lãi, sẽ cạnh tranh mạnh mẽ?

Theo ông, khách quốc tế đến Việt Nam không phải vì có sân bay hoành tráng, to đẹp mà vì du lịch, môi trường đầu tư tốt và nhiều lý do khác nữa. Nhưng nhìn vào thực tế du lịch Việt Nam thì nhiều hạn chế, khi tới 80% khách quốc tế được hỏi đều trả lời sẽ không quay lại lần thứ 2.

“Khi ngành du lịch còn nhiều bất cập như vậy liệu thì khó đạt được con số 25 hay 50 triệu khách/năm như đề án của Chính phủ nêu, đấy là chưa kể tới công tác cán bộ quản lý ra sao khi vận hành”- ĐB Cương chia sẻ.

Phát biểu cuối cùng phiên thảo luận, ý kiến của ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khiến cả hội trường nín lặng. Khác với những ý kiến của các ĐB trước đó, ĐB Dương Trung Quốc đề cập tới câu chuyện lòng tin và an dân.

Vị ĐBQH tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi: Dự án nằm trong quy hoạch tổng thể 10 năm, nhiều công trình thành phần đã xây dựng xong. Ngay tại Đồng Nai người dân gần 10 năm nay sống trong tình trạng dự án treo mà giờ mới mang dự án này ra Quốc hội bàn?

“Với cung cách làm ăn này, cách triển khai này thì quyết định đầu tư băn khoăn là đúng, vì đáng lý đã phải làm từ lâu”- ông nói.

Theo ông, trong dự án đầu tư này các Ủy ban của Quốc hội chỉ đứng ở góc độ kinh tế, ngân sách mà dường như đang thiếu vắng vai trò nhà chuyên môn thực sự. Có ý kiến nhắc tới cần có sự đóng góp, thẩm định độc lập của các chuyên gia, tổ chức quốc tế. Nhưng còn ý kiến thẩm định của chuyên gia trong nước thì vì sao chưa ai nói tới?

“Nhiều ý kiến chuyên gia trong nước làm ĐB chúng tôi phân tâm. Suốt thời gian qua vì sao Quốc hội không yêu cầu Chính phủ giải trình sớm dự án này mà thụ động khi Chính phủ trình mới làm? Tại sao không thu thập ý kiến của các nhà chuyên môn trong nước”- ĐB Dương Trung Quốc bày tỏ sự băn khoăn.

Vì thế ngoài giải pháp mà đề án của Chính phủ đã nêu, ông nhấn mạnh, cần tìm sự đồng thuận trong dân, an dân bằng cách trân trọng mời và lắng nghe các chuyên gia trong nước trình bày, đóng góp quan điểm.

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang