Đề xuất quy định cụ thể hơn về kê khai giá

author 06:29 15/07/2022

(VietQ.vn) - Bộ Tài Chính đang dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chính sách về kê khai giá được xây dựng trên cơ sở bỏ biện pháp đăng ký giá, đồng thời tăng cường biện pháp kê khai giá để phục vụ bình ổn giá.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất quy định cụ thể hơn về việc kê khai giá để phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu về giá.

 Ảnh minh hoạ

Theo Luật Giá hiện hành, biện pháp kê khai giá thể hiện rất rõ chủ trương quản lý, điều hành giá gián tiếp, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Hàng hóa thuộc diện kê khai do doanh nghiệp tự quyết định và gửi bản kê khai đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thực tế những quy định này chưa phát huy được hết hiệu quả đối với cả cơ quan quản lý và cả phía đơn vị thực hiện. Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì việc kê khai chỉ là cung cấp thông tin về giá để có ngay các giải pháp điều hành, bình ổn giá, vì vậy cần tiếp tục củng cố khâu tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.

Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chính sách về kê khai giá được xây dựng trên cơ sở bỏ biện pháp đăng ký giá, đồng thời tăng cường biện pháp kê khai giá để có cơ chế kiểm soát hoạt động này; gắn với đó là danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai và giao Chính phủ quy định cụ thể, đồng thời đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tiếp nhận kê khai giá.

Căn cứ nội dung chính sách, dự thảo Luật đã quy định rõ kê khai giá là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho cơ sở dữ liệu về giá.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, dự thảo Luật cũng quy định việc kê khai được tổ chức sản xuất, kinh doanh thực hiện sau khi quyết định giá nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai tại đơn vị, thay vì phải thực hiện kê khai trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định giá hàng hóa, dịch vụ như quy định hiện hành. Đây là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.

Đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, bên cạnh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu sẽ phải thực hiện kê khai giá khi tổ chức, cá nhân tự quyết định giá thì một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác cũng sẽ phải thực hiện kê khai giá do Chính phủ quy định trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ ban ngang Bộ. Trên cơ sở đó, tại Nghị định sẽ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Trong đó sẽ giảm bớt danh mục so với hiện hành để tập trung vào các mặt hàng thật sự quan trọng, thiết yết.

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), việc tiếp nhận kê khai cũng được thể chế rõ ràng hơn, khuyến khích việc áp dụng cơ sở dữ liệu tích hợp, hoặc các ứng dụng công nghệ thông tin để kê khai và tiếp nhận kê khai giá, đảm bảo phù hợp với định hướng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về giá.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá: Thẩm quyền và trách nhiệm định giá được quy định bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về giá nói chung, cũng như định giá Nhà nước nói riêng. Theo đó, sẽ bỏ cấp định giá do Chính phủ thực hiện. Đối với cấp Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với khung giá đất (trường hợp Luật Đất đai sửa đổi bỏ các quy định về khung giá đất thì tại Luật Giá sẽ được cập nhật tương ứng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất).

Trên cơ sở đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá, có trách nhiệm ban hành các cơ chế, chính sách chung, phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá. Theo đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ quyết định giá đối với rất ít hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng (như đất đai) và giao thẩm quyền định giá cụ thể cho các Bộ.

Dự kiến khi Luật ban hành, các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật có trách nhiệm thực thi Luật, trong đó Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật. Cục Quản lý giá là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý giá và thẩm định giá bảo đảm đủ điều kiện cơ bản cho việc tổ chức thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Tạ Nhị

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang