Đến năm 2025, ít nhất 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số

author 14:26 03/12/2020

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. Bằng cách số hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị. Theo Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đến năm 2025, ít nhất 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số.

Ngày 3/12/2020, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã chính thức được công bố tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 chính thức được công bố tại Hà Nội 

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới sáng tạo. Đây cũng là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đuổi kịp, bắt kịp và vươn lên.

Hiện nay, khái niệm “chuyển đổi số trong doanh nghiệp” được nhắc đến rất nhiều nhưng có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là giải pháp tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Trong những năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hợp tác với Dự án USAID LinkSME để thực hiện mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến; Thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp về chuyển đổi số; Số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng…; Số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá…; Chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…

Theo các chuyên gia kinh tế, các xu hướng phát triển về công nghệ ngày càng mang tính đột phá và đang thay đổi cuộc sống con người. Các mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các công nghệ mới đem lại hiệu quả cao hơn. Các yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng đang dịch chuyển dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc và bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện các mục tiêu trên vì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại di động thông minh cao trên thế giới. Hạ tầng kết nối của Việt Nam tương đối tốt, internet hầu như đã phổ biến. Đặc biệt, chúng ta có lực lượng giới trẻ đông đảo, tiếp cận nhanh với công nghệ, có đội ngũ doanh nghiệp công nghệ ngày càng phát triển. Đây là lợi thế, là cơ hội của Việt Nam để chuyển đổi số thành công.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang