Xuất khẩu dệt may năm 2020 giảm sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp

author 06:42 03/12/2020

(VietQ.vn) - Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019, nhưng cao hơn dự báo hồi tháng 4/2020 với kim ngạch dự kiến chỉ đạt từ 30 đến 31 tỷ USD.

Đây là thông tin được ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về Đại hội nhiệm kỳ VI (2020-2025)- Tổng kết năm 2020.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Như vậy, sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, năm 2020 này, kim ngạch xuất khẩu dệt may không tăng trưởng, nhưng mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.

Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): dự báo năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may sẽ tiếp tục gặp khó khăn

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần dệt may của Việt Nam cũng có những thay đổi. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (11,80% thị phần), đứng thứ 6 xuất khẩu sang châu Âu, thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%.

Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành, các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dịch Covid-19 khiến sức mua giảm mạnh do thu nhập giảm. Người dân ưu tiên việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm hơn là quần áo. Veston, sơ mi cao cấp của nam nữ vốn được xem là mặt hàng chiến lược, có giá trị cao nay sức tiêu thụ giảm tới 80%.

Do đó, định hướng của Vitas đối với các đơn vị thành viên là tập trung vào sản xuất các sản phẩm thuộc phân khúc trung bình hoặc trung bình thấp. Riêng các sản phẩm veston và sơ mi cao cấp đều được điều chỉnh giảm sản lượng, bởi thu nhập người tiêu dùng giảm sút- ông Vũ Đức Giang thông tin.

Năm 2020, Vitas đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, Vitas đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương…- ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Chia sẻ về tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang cho hay, Hiệp định RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, khác với các hiệp định khác, tại Hiệp định RCEP, quy tắc xuất xứ sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn ở thị trường Trung Quốc, khi hiện nay Việt Nam đang là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Trung Quốc. 

Nhận định về năm 2021, với kịch bản dịch Covid-19 chưa có điểm dừng, tiếp tục diễn biến phức tạp, ông Vũ Đức Giang cho rằng, xuất khẩu hàng dệt may tiếp tục gặp khó khăn. Theo đó, doanh nghiệp rất khó đưa ra giải pháp ổn định bởi chưa một nước nào có thể kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19, thu nhập của người dân còn rất khó khăn. Thậm chí, nếu tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp thì nhu cầu có thể vẫn "dậm chân tại chỗ". Khi nào chúng ta có vắc-xin, kiểm soát được Covid -19, thị trường mới có thể tươi sáng hơn.

 
Mục tiêu đến năm 2025 ngành phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 55 tỉ USD tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỉ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%.
 

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, năm 2021 và 2022, Việt Nam có thể vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư sợi, dệt, nhuộm, chuyển tiếp từ 2019- 2020 sang, có thể đảm bảo phần cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam. Nguyên do sự thay đổi phương thức mua hàng ở các quốc gia, sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, trong khi các nhà máy của Việt Nam sản xuất sợi và dệt đã phát huy tốt năng lực phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Với khả năng kịch bản dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn trên thế giới trong quý I/2021, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 37-18 tỷ USD, tăng trưởng nhẹ so với năm 2020- ông Vũ Đức Giang cho hay.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang