Dịch cúm gia cầm: Cao Bằng phát hiện và tiêu huỷ 3.000 con vịt nhiễm cúm A/H5N1

author 11:15 11/05/2017

(VietQ.vn) - Sau khi kiểm tra và gửi mẫu đi xét nghiệm, lực lượng chức năng đã phát hiện đàn vịt 3.000 con dương tính với cúm A/H5N1.

Chiều 10/5, Chi cục Chăn nuôi và thú y TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đã phát hiện và tiến hành tiêu hủy 3.000 con vịt nhiễm bệnh cúm A/H5N1 tại phường Duyệt Trung, TP Cao Bằng.

Ổ dịch được phát hiện tại cơ sở chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Hoàn (Tổ 2, phường Duyệt Trung, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Chủ trang trại cho biết, ngày 5/5, bà phát hiện một số vịt bất ngờ ốm chết với số lượng gần 100 con mà không rõ nguyên nhân.

Nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã kiểm tra và gửi mẫu đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả, đàn vịt 3.000 con của bà Hoàn dương tính với cúm A/H5N1. Đến chiều 10/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý cùng chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ số vịt bị nhiễm bệnh nói trên, đồng thời bơm thuốc khử trùng khu vực trang trại và vùng lân cận, tránh dịch bệnh lây lan.

Phát hiện 3.000 con vịt nhiễm bệnh cúm A/H5N1 tại Cao Bằng. Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 26/4, cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cũng đã phát hiện và tiêu hủy ổ dịch cúm H5N1 tại hai hộ chăn nuôi thuộc phường Ngọc Xuân, TP Cao Bằng. Tổng số mắc bệnh và chết là 700 con, số tiêu hủy là 2.004 con (1.974 con vịt, 30 con gà).

Được biết, virus cúm gia cầm H5N1 có khả năng lây sang người qua các con đường như: mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết, hoặc không rõ nguồn gốc; do ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm chưa được nấu chín kỹ; do vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi gia cầm không dùng đồ bảo hộ.

Triệu chứng cúm gia cầm H5N1 cũng giống với triệu chứng thông thường, nhưng một số điểm đặc biệt là sốt cao từ 39 độ trở lên và sốt liên tục, đau đầu, đau cơ; có những trường hợp đau bụng, nôn ói.

Bệnh này thường xảy ra trường hợp viêm kết mạc mắt. Nặng hơn, có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tuần hoàn dẫn đến tử vong.

Khuyến cáo để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây sang người:

- Triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng, tiếp tục thực hiện việc giám sát trọng điểm cúm và Hội chứng viêm phổi cấp tính (SARI) nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện để phát hiện sớm các ổ dịch cũng như chia sẻ tình hình dịch bệnh tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở y tế.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

- Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch. Sẵn sàng các đội cơ động phòng chống dịch, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

 

Minh Hải

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang