Đồ trang trí trên bánh kem sinh nhật tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc

author 18:51 15/09/2021

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, những phụ kiện được trang trí trên bánh kem như hoa tươi, đồ nhựa tạo sự bắt mắt nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm độc.

Bánh sinh nhật còn được gọi là bánh kem, bánh gato là món ăn có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong dịp kỉ niệm sinh nhật, cưới, hỏi hay những dịp lễ quan trọng trong năm. Bánh sinh nhật là món ăn ngọt có dạng cốt như một chiếc bánh bông lan xốp dùng kem dày phủ lên để tăng hương vị và thực hiện trang trí thêm hấp dẫn, bắt mắt. Tuy nhiên, xuất xứ, chất liệu của “yếu tố phụ” như những đồ vật, phụ kiện trang trí bánh kem lại ít người chú ý.

Thực tế, theo trào lưu nên hiện nay trên thị trường bánh kem có nhiều sản phẩm dùng phụ kiện nhựa, hoa tươi để trang trí bánh; trong đó, nhiều loại nhựa không rõ nguồn gốc, có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Đề cập tới vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh- Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, khi trang trí đồ nhựa trực tiếp lên phần bánh kem, nếu phụ kiện trang trí trên bánh không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh sẽ khiến bánh kem dễ bị nhiễm khuẩn. Nguy hại hơn, những loại nhựa tái chế còn có thể khiến các vi hạt nhựa lẫn vào bánh, ảnh hưởng đến thận, gan, ruột bị rối loạn chuyển hóa khi ăn phải.

Bánh sinh nhật trang trí phụ kiện nhựa, hoa tươi tiềm ẩn ngộ độc.

Hạt vi nhựa (microplastic) là những mảnh nhựa nhỏ tìm thấy trong môi trường. Chúng được định nghĩa là các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm. Hạt vi nhựa có thể được sản xuất chủ động ở kích thước nhỏ (microbeads) có trong các sản phẩm kem đánh răng, tẩy tế bào chết hoặc hình thành từ quá trình phá hủy các mảnh nhựa lớn hơn trong môi trường.

Những hạt vi nhựa này được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới như trong đại dương, sông, đất và nhiều môi trường khác, kể cả thực phẩm.  

Theo nghiên cứu tại Mỹ, các nhà khoa học đã khảo sát chế độ ăn uống do Chính phủ nước này quy định để tính toán lượng hạt vi nhựa con người ăn phải. Kết quả cho thấy, trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000.

Theo các bác sĩ, cơ thể con người sẽ tự đào thải số lượng nhựa nhỏ ra ngoài, tuy nhiên, nếu lượng nhựa quá lớn sẽ ở lại trong ruột và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Khi quan sát bằng mắt thường, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy những vi khuẩn và các loại hạt vi nhựa. Thực phẩm đưa vào cơ thể nếu bị nhiễm chì từ các loại màu hạt nhựa sẽ rất độc hại.

Hiện nay, nhiều nước đã quy định về việc trang trí hay phụ kiện đi kèm trên bánh và các loại thực phẩm khác. Ngay cả đồ chơi trẻ em cũng có quy chuẩn về chất liệu sản xuất để đảm bảo an toàn. Những sản phẩm, đồ chơi nhựa từ màu công nghiệp độc hại bị cấm lưu hành để tránh nguy cơ về sức khỏe.

Tương tự, với việc trang trí hoa tươi trên bánh, nếu hoa có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất bảo quản có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, một số loại phấn hoa có chứa protein, dễ gây dị ứng khi tiếp xúc. Biểu hiện dị ứng phụ thuộc vào cơ địa từng người và không phải ai cũng bị dị ứng phấn hoa. BS. Trương Hữu Khanh cho biết, nếu bị dị ứng, cơ thể sẽ mẩn ngứa hoặc xuất hiện các triệu trứng khác như: hắt hơi, chảy nước mũi.

Chưa kể, theo lực lượng chức năng, để có lợi nhuận cao một số cơ sở còn sử dụng phụ gia, nguyên liệu làm bánh không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Cụ thể, mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế Hà Tĩnh bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất bánh sinh nhật Hoàng Anh, do bà Nguyễn Thị Quý làm chủ, tại tổ dân phố 3, thị trấn Nghi Xuân phát hiện cơ sở này sử dụng một số phụ gia và nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ 9 hộp mứt trang trí không nhãn mác; 1 gói cà phê không tem, không rõ nguồn gốc; 1 gói quả anh đào không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện một số gói nguyên liệu đã hết hạn sử dụng. 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang