Doanh nghiệp chủ động tìm biện pháp tránh đứt gãy chuỗi logistic

author 16:56 15/11/2021

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp trong nước đang oằn mình trong những tháng cuối năm khi đối mặt với chi phí logistic ngày một tăng cao.

Theo thống kê, trong 4 tháng vừa qua, cước vận tải biển từ Việt Nam đi các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục tăng gấp đôi. Còn cước đi các nước châu Âu và Mỹ vẫn cao gấp chục lần so với trước dịch.

Qua tìm hiểu, Công ty TNHH AAB chuyên sản xuất hàng xuất khẩu đi Nhật, sau giãn cách, công nhân thiếu, nhà máy hoạt động được có 60%, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tính cách để đẩy nhanh tốc độ sản xuất, bởi đặt chỗ trên tàu vận tải biển lúc này đang rất khó. Hàng phải xong sớm hơn, đặt tàu cũng phải sớm hơn mới có chỗ.

Ông Bùi Tố Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH AAB cho biết, trong số các đơn hàng nhà máy đang nhận được hiện nay, công ty chỉ chọn ra được từ 1/3 đến một nửa là những đơn hàng có tiềm năng hoặc những khách hàng lâu năm để tập trung tối đa sản xuất, cố gắng hoàn thành các đơn hàng này trước từ 1 - 2 tuần so với ngày công ty đã ký kết giao cho khách hàng. 

 Các doanh nghiệp xoay đủ cách để tránh đứt gãy chuỗi logistic. Ảnh minh hoạ

 

Thực tế cho thấy, Logistics đứt gãy không chỉ gây khó cho đầu ra, mà còn ảnh hưởng tới cả nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Nhằm tránh việc lúc có hàng lúc không, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã nhập sẵn nguyên vật liệu dùng cho quá trình sản xuất về nhà máy, tích trữ đủ dùng cho từ 3 - 4 tháng.

Những phương án chủ động này của các doanh nghiệp sản xuất được đánh giá là rất cần thiết, bởi số chuyến tàu vẫn đang có xu hướng giảm. Trong khi giá cước dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Công ty TNHH SITC Bondex Logistics Nguyễn Đình Vượng chia sẻ, công ty chỉ bán từ đầu tháng đến giữa tháng là hết chỗ trên tàu của cả tháng đó. Như vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhận ra vấn đề là họ phải có kế hoạch sản xuất, phải book chỗ sớm trong thời điểm khó khăn như hiện nay thì sẽ không còn chỗ để book, mà họ sẽ phải mua lại của thị trường thứ cấp, lúc đó giá sẽ bị đội lên rất cao. 

Hiện dòng chảy thông tin trong chuỗi cung ứng đang là rất quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp logistics sẽ cung cấp thông tin về vận tải cho doanh nghiệp sản xuất. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần có kế hoạch đơn hàng cụ thể hơn và sớm hơn.

Bộ Công Thương dự báo đến cuối năm Việt Nam có thể đạt được mốc kỷ lục 600 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc có giảm được gánh nặng về chi phí logistics hay không.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và những diễn biến phức tạp của nó, Việt Nam được đánh giá cao về phục hồi kinh tế. 

Suốt gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện được khả năng chống chịu tốt với những cú sốc về đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động, liên tiếp có sự điều chỉnh để ưu tiên cho mặt trận sản xuất, trong khi vẫn bảo đảm an toàn cho người dân. Nhiều tổ chức uy tín của quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá rất cao nỗ lực này và đưa ra phân tích tích cực về triển vọng dài hạn của Việt Nam.

Mới đây, công ty quản lý tài sản AXA Investment Managers Asia (có trụ sở ở Singapore) đã đăng tải bài đánh giá của hai nhà kinh tế Aidan Yao và Shirley Shen cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sau Trung Quốc, hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây. Hiện Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua - vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực châu Á. 

Còn Tiến sĩ Oliver Massmann từ công ty luật Duane Morris, một trong 100 công ty luật lớn nhất thế giới, ngày 11/10 khẳng định rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư "thân thiện" nhất tại châu Á bởi những yếu tố như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, cộng với việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời để khôi phục nền kinh tế.

Tình hình COVID-19 ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với hầu hết dân số ít nhất đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách ưu đãi về thuế và phí cho các doanh nghiệp chịu hậu quả của đại dịch COVID-19. 

Tuy đại dịch đã gây ra cú sốc lớn nhưng giá trị gia tăng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn mới là quan trọng. Đây là đánh giá của các doanh nghiệp FDI lớn đang tiếp tục mở rộng làm ăn và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam cho biết, tính đến nay chúng tôi đã hoạt động 26 năm tại thị trường Việt Nam. Từ đó đến nay, Acecook Việt Nam đã đạt được những tăng trưởng to lớn cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại công ty đang cố gắng đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường như trước đây như quán triệt các biện pháp phòng chống COVID-19 với toàn thể cán bộ công nhân viên công ty, cố gắng để không có thêm ca nhiễm mới; đồng thời đẩy nhanh việc tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine cho nhân viên dưới sự chỉ đạo của cơ quan Nhà nước.

Bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam cho hay, hiện nay Intel Việt Nam đang đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống sản xuất, lắp ráp và kiểm định của Tập đoàn Intel. Kế hoạch thì công ty vẫn muốn đảm bảo sản xuất, đảm bảo an toàn cho người lao động, đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế. 

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestle Việt Nam nhận định, công ty không nhìn ngắn hạn mà luôn nhìn dài hạn. Đó là lý do tại sao ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của COVID-19, công ty vẫn quyết định rằng Việt Nam là một nơi mà bạn mong muốn để đầu tư. Vì vậy, gần đây công đã thông báo sẽ đầu tư 115 triệu USD vào các nhà máy mới, dây chuyền mới để sản xuất cà phê hòa tan khử caffein cho Nestle trên toàn thế giới. 

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang