Doanh nghiệp da giày tổn thất nặng nề, đơn hàng nguy cơ bị hủy bỏ vì dịch bệnh COVID- 19

author 16:37 11/09/2021

(VietQ.vn) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của ngành da giày, khiến mặt hàng xuất khẩu ngành này sụt giảm mạnh.

Những tháng cuối năm, sản xuất ở các doanh nghiệp da giày phía Nam bị đình trệ nghiêm trọng. Nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất do không thể đáp ứng yêu cầu của mô hình “3 tại chỗ”.

“Các doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương công nhân", theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso).

Theo Lefaso, 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang phải ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp tại miền Bắc, miền Trung cũng giảm công suất 30-50% do giãn cách xã hội, thiếu lao động.

Các doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất cũng phải giảm sản lượng do thiếu lao động, thiếu chi phí, nguyên phụ liệu khan hiếm,…

Bên cạnh đó, hàng loạt các khó khăn như thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần), chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, xuất khẩu ngành hàng này.

Theo số liệu của Lefaso, tháng 8 giày dép xuất khẩu 850 triệu USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ 2020; túi xách cũng giảm 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 150 triệu USD. Nhưng nhờ tăng trưởng cao 7 tháng trước đó, luỹ kế 8 tháng, giày dép xuất khẩu vẫn tăng 16,2% so với cùng kỳ (hơn 1,26 tỷ USD), túi xách chỉ tăng 2,1%. Hiện, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, kế đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi đó, báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 8 và 8 tháng của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất da giày 8 tháng tăng 7,9% so với cùng kỳ 2020, nhưng giảm 5% so với nửa đầu năm. Chỉ số sử dụng lao động của ngành này trong 8 tháng đầu năm cũng giảm 17,3% so với cùng kỳ 2020.

 

Doanh nghiệp sản xuất da giày - Ảnh minh họa

Da giày đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo HSBC, ngành da giày nước ta đang chiếm 15% thị phần thế giới. Khi nhiều nhà máy ở phía Nam đóng cửa, thu hẹp công suất hoạt động, các thương hiệu thời trang lớn trên toàn cầu có cơ sở sản xuất đạt tại Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi mùa lễ hội cuối năm vốn là giai đoạn cao điểm mua sắm sắp đến, các nhà bán lẻ thời trang, da giày có thể sẽ đối diện nguy cơ thiếu hàng tại thị trường châu Âu, Mỹ khi chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị gián đoạn.

Đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Cục Công nghiệp nhấn mạnh, việc tận dụng cơ hội trong giành các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp vực dậy, vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.

Còn Lefaso cho rằng, bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp da giày cần giảm chi phí, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và lao động, cũng như tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định FTA (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA), để sau khi dịch được khống chế có thể phục hồi ngay sản xuất, xuất khẩu.

Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang