Tạo động lực để kinh tế tuần hoàn, kinh tế liên vùng phát triển

author 15:45 23/08/2023

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), việc lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng là mục tiêu được Chính phủ khuyến khích. Vì vậy, trong thời gian tới cần có chiến lược phát triển mô hình liên kết vùng gắn với kinh tế tuần hoàn một cách bài bản, thấu đáo.

Nhiều thách thức trong phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.

PV: Xin bà cho biết đôi nét về tầm quan trọng của liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương, gắn với việc triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố đã có những chuyển biến tích cực về liên kết vùng trong phát triển kinh tế.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hoạt động liên kết vùng trong thời gian qua đã có những tác động tốt trên một số khía cạnh, đó là khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; góp phần kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng; tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước; giải quyết hài hòa hơn các mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội.

TS. Trần Thị Hồng Minh

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh.

Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.

Nhìn từ góc độ thị trường trong nước, các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả như, đẩy mạnh kết nối cung - cầu thông qua các chương trình, đề án cấp quốc gia và địa phương; tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại; lồng ghép liên kết vùng phát triển thị trường nội địa trong các lĩnh vực, chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khác.

Với những ưu điểm nêu trên, khi tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM cũng nhấn mạnh tư duy lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng.

PV: Có ý kiến từ các chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển mô hình liên kết vùng còn nhiều hạn chế cần khắc phục thì mới có thể tiến tới việc thực hiện được các mục tiêu kinh tế tuần hoàn. Quan điểm của bà ra sao?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Đúng vậy, phát triển mô hình liên kết vùng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Việt Nam tham gia tích cực vào liên kết khu vực và quốc tế sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài. Qua đó, các địa phương, DN trong nước có thêm cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng.

Thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

CIEM thống nhất đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn cho 4 lĩnh vực là: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. Đây là những lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố.

Mặt khác, dù được nói đến rất nhiều nhưng liên kết vùng vẫn tồn tại những thách thức. Cái khó và cần khắc phục hiện nay là DN phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế. Các DN, hợp tác xã cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các DN ở các địa phương khác trong vùng.

Đây là cơ hội cho các địa phương tiến hành liên kết vùng. Việc hội nhập từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng, từ đó tạo ra các chuỗi liên kết trong kinh tế tuần hoàn.

Thách thức lớn hiện nay là thể chế thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đã có nhưng còn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc thiếu các thể chế đủ mạnh cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng. Thêm vào đó, bối cảnh hậu dịch Covid-19 và kinh tế thế giới suy thoái hiện nay cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng trong huy động nguồn lực và ngân sách.

PV: Để tạo "sức sống" cho kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển mô hình liên kết vùng, theo bà chúng ta cần có giải pháp gì?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Để khắc phục hạn chế nêu trên, tôi cho rằng nội dung quan trọng cần làm là tạo cơ chế và động lực cho các chính quyền địa phương trong vùng liên kết với nhau cùng thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở cấp vùng gắn với việc thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg (ngày 7/6/2022) phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển mô hình liên kết vùng, CIEM đã và đang tham vấn chuyên gia đối với dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó quan tâm gắn với phát triển kinh tế liên vùng.

Theo đó, CIEM thống nhất đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn cho 4 lĩnh vực của nền kinh tế. Đó là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. Đây là những lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Thời báo Tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang