Liên tiếp phát hiện đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả quy mô lớn

author 05:59 26/04/2024

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây liên tiếp các vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả có quy mô lớn bị lực lượng chức năng các tỉnh triệt phá gây ra nhiều hoang mang cho người tiêu dùng.

Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang trở thành miếng mồi béo bở để các đối tượng trục lợi. Còn người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm TPCN bị làm giả thì thiệt đơn thiệt kép về kinh tế, lẫn sức khoẻ thậm chí là tính mạng.

Hiện trên thị trường đang lưu hành hàng trăm nghìn loại TPCN khác nhau. Trong đó, nhiều loại TPCN được thổi phồng công dụng hiệu quả khi sử dụng, khiến người tiêu dùng lạc vào “ma trận”, nhất là với các loại sản phẩm liên quan đến tăng cường sinh lực phái mạnh, chống lão hóa, làm đẹp da, giảm cân… được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, không phải sản phẩm TPCN nào trên thị trường hiện nay cũng là hàng chính hãng, được các cơ quan có thẩm quyền cấp đầy đủ giấy tờ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất TPCN trong và ngoài nước không đăng ký với cơ quan quản lý mà tự công bố chất lượng sản phẩm. Hoặc đăng ký với cơ quan quản lý một đằng, nhưng sản xuất đưa ra thị trường thì chất lượng một nẻo. Thậm chí, đã có hàng chục tấn TPCN giả được sản xuất, gia công đóng gói trong các kho xưởng tồi tàn, xong gắn nhãn mác sản xuất tại Mỹ, Úc, Nhật…đã bị lực lượng chức năng thu giữ.

Điển hình, ngày 10/11/2023 Công an thành phố Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây chuyên sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe là hàng giả, hàng kém chất lượng với quy mô lớn.

Với chiêu thức sản xuất, bán hàng hết sức tinh vi, đến thời điểm bị phát hiện, nhóm đối tượng đã đưa ra thị trường tiêu thụ trót lọt hàng nghìn sản phẩm, thu lợi bất chính số tiền nhiều tỷ đồng. Đồng loạt khám xét 10 địa điểm là nhà máy sản xuất, kho chứa cất hàng hóa, nhà và xưởng in bao bì sản phẩm tại thành phố Thanh Hóa, thành phố Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, cơ quan công an đã thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Qua xác minh, sau khi hàng hóa được sản xuất, nhóm đối tượng đã xây dựng một hệ thống nhân viên thị trường tiếp cận các nhà thuốc, phòng khám và một số đại lý thuốc tân dược để bán các sản phẩm hàng giả đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng tích cực quảng cáo, chào bán qua các nền tảng mạng xã hội và cam kết cung cấp cho người mua số lượng lớn với giá tốt.

Ngày 26/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 25 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an H.Chương Mỹ) đã bất ngờ kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh tại thôn Phượng Nghĩa (xã Phụng Châu). Chủ cơ sở này là ông N.V.T (33 tuổi), trú tại tỉnh Phú Thọ.

Ở thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thành phẩm và bán thành phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có in nhãn hiệu nổi tiếng như: Blackmores, mặt nạ Yujin, dung dịch vệ sinh Femfresh. Cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều máy móc được cho là những thiết bị phục vụ sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo.

Ngoài ra, còn có một lượng lớn mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài, gồm: 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Úc; 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Hàn Quốc; 16.362 chai dung dịch vệ sinh Femfresh có dấu hiệu bị làm giả. Cơ sở này cũng đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ có nhãn hiệu Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn.

Trong đó, có 6.288 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream có nhãn Made in Australia; 828 lọ Gamma Linolenicacid Evening Primrose Oil, thể hiện xuất xứ Canada; 450 hộp UltraV Premium Peeling, Made in Korea; 12.920 lọ thành phẩm Royal Retinol; 1.008 hộp thành phẩm J-Cain, Made in Korea... Ngoài số sản phẩm nói trên, cơ quan chức năng ghi nhận một lượng lớn lọ nhựa, hộp đựng, tem nhãn và hàng tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không bao bì nhãn mác vứt trên nền đất, một số loại nguyên liệu có mùi hắc nồng nặc...

Mới đây nhất, vào ngày 24/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nông Thị Hằng (37 tuổi, ngụ xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) về hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm".

Được biết trước đó Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ quy mô lớn ở thành phố Hà Nội và Thanh Hóa do Nguyễn Thị Thịnh (46 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cầm đầu.

Điều tra mở rộng vụ án, Công an thành phố Thanh Hóa đủ tài liệu, chứng cứ bắt tạm giam bị can Nông Thị Hằng về hành vi sản xuất hàng giả. Trong vụ án này, Hằng là người được Nguyễn Thị Thịnh thuê đóng gói thành phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ giả.

Làm việc với cơ quan công an, bước đầu các bị can khai nhận từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã sản xuất, bán ra thị trường hơn 20.000 hộp viên An cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm (loại thực phẩm chức năng hỗ trợ chống đột quỵ) giả, với trị giá tương đương khoảng 50 tỉ đồng.

Từ những vụ việc nêu trên có thể nhận thấy, sản xuất, buôn bán TPCN giả đang mang lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng làm ăn phi pháp. Vì lòng tham mà bất chấp sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng để làm giả, làm nhái các sản phẩm TPCN của các thương hiệu nổi tiếng. Người tiêu dùng khi sử dụng những TPCN giả này ngoài thiệt hại về kinh tế, bệnh thì không khỏi mà sức khỏe còn bị ảnh hưởng, làm lỡ cơ hội chữa bệnh.

Để tránh trở thành nạn nhân của TPCN giả, bên cạnh việc tìm mua sản phẩm tại những địa chỉ, công ty phân phối uy tín thì người tiêu dùng cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức về sản phẩm TPCN. Vì TPCN chỉ có tác dụng bảo vệ sức khoẻ, bổ sung cho chế độ ăn hàng ngày, không phải dùng để điều trị các loại bệnh. Nếu quảng cáo TPCN uống vào khỏi bệnh là không đúng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân chủ động tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo TPCN bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ của Bộ để có sự lựa chọn đúng đắn, an toàn cho bản thân và gia đình. Tuyệt đối không tin các quảng cáo trên các mạng xã hội có sử dụng hình ảnh bác sỹ, hoặc ngôn từ trong quảng cáo như: Tôi là người bệnh đã sử dụng sản phẩm này trong 1 - 2 tháng và khỏi bệnh… thì người dân đều phải cảnh giác. Những quảng cáo phù hợp đối với TPCN bảo vệ sức khoẻ bao giờ cũng phải có câu: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng như thuốc chữa bệnh”.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang