Kinh tế tuần hoàn - 'chìa khóa' cho tăng trưởng bền vững
Tín chỉ Carbon - 'chìa khóa' cho tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp
Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nắm bắt thị trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững
[Longform] Tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp hợp lý nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 687/QĐ-TTg Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam. Từ thời điểm đó đến nay, trên phương diện là cơ quan nghiên cứu kinh tế, bà đánh giá thế nào về những bước tiến trong xây dựng mô hình KTTH ở Việt Nam?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, cũng như rất nhiều vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án trên, trong đó hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Về cơ bản các tỉnh, thành phố đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về KTTH của doanh nghiệp, người dân.
Triển khai Quyết định 687/QĐ-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH và đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và cộng đồng DN.
PV: Đến nay đã có những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực KTTH, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều khó khăn. Xin bà cho biết những thách thức và tồn tại trong quá trình phát triển KTTH ở nước ta hiện nay?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Có thể nói, ở Việt Nam thuật ngữ KTTH chỉ được chính thức sử dụng trong các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước kể từ năm 2020.
Nhiều yếu tố của KTTH đã xuất hiện. Với tư duy mới, các hoạt động sản xuất hữu cơ thuận tự nhiên theo mô hình KTTH, đặc biệt là trong nông nghiệp, có thể được kết hợp với các hoạt động du lịch, giải trí, dịch vụ khác để tạo thêm giá trị gia tăng và lợi ích cho nông dân. Làng sinh thái hữu cơ là mô hình mới, vừa bảo tồn được giá trị văn hóa làng xã, vừa phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch để góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các mô hình mới, hướng gần hơn đến KTTH như "khu công nghiệp sinh thái”, “sản xuất sạch hơn”, "không phát thải”, hay tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của KTTH cũng đã bắt đầu được triển khai. Heineken Việt Nam - điển hình của mô hình doanh nghiệp ứng dụng KTTH, có gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế trong quá trình sản xuất bia, trong đó 4 nhà máy sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon.
Tuy nhiên, việc phát triển KTTH tại nước ta còn nhiều hạn chế, cần hoàn thiện, nhất là về cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn lực, tài chính.
Việt Nam cũng chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH, khiến việc đánh giá trình độ và mức độ sẵn sàng trong phát triển KTTH ở các ngành, lĩnh vực và địa phương còn khó khăn.
Chúng ta cũng gặp khó khăn về thị trường nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho KTTH. Nguồn nhân lực sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sang phát triển KTTH còn yếu.
PV: Nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, muốn phát triển KTTH, cần phải đáp ứng về nguồn lực tài chính. Theo bà, để có được nguồn lực đó, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Thực hiện KTTH DN phải thay đổi rất nhiều trong các công đoạn, khâu sản xuất, kinh doanh. DN phải nghiên cứu sao cho có được công nghệ có thể tái chế, chế tạo ra những vật liệu mới thân thiện với môi trường. Thông thường việc đổi mới sản xuất theo mô hình KTTH thân thiện với môi trường chi phí thường cao hơn rất nhiều so với sản xuất theo mô hình truyền thống. DN sẽ phải đối mặt với bài toán làm sao có được nguồn lực tài chính.
Về cơ chế tài chính, chúng ta có thể thấy trong rất nhiều chính sách của Chính phủ ban hành trong thời gian qua đã đề cập tới loại hình tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Chính sách này rất quan trọng, khi chúng ta thiết kế được các chương trình vốn, tín dụng để đáp ứng mục tiêu cụ thể giúp DN hướng tới việc sản xuất theo hướng xanh, bền vững và rộng hơn là phát triển KTTH.
Ngoài ra, tôi thấy rằng, trong thời gian vừa qua ở góc độ quốc tế, đã có nhiều tổ chức đưa ra chương trình hỗ trợ DN Việt Nam thực hiện KTTH thông qua các quỹ.
PV: Theo Quyết định 687/QĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH ở Việt Nam. Khi nghị định này được thông qua sẽ tác động thế nào đến việc thúc đẩy KTTH tại nước ta, thưa bà?
TS. Trần Thị Hồng Minh: Quyết định 687/QĐ-TTg xác định phát triển KTTH đòi hỏi phải có các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH.
Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH. Nghị định nhằm mục tiêu quy định cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH, để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, DN sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.
Như vậy, khi nghị định được ban hành và các ưu đãi chính sách phù hợp có hiệu lực, sẽ khuyến khích DN sớm đầu tư vào các dự án KTTH trong một số lĩnh vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng) có nhiều tiềm năng hiện thực tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn bà!
Áp dụng cơ chế thử nghiệm cho 4 lĩnh vực Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, phát triển KTTH không thực hiện đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà cần có những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm. Việc hỗ trợ chính sách cho DN tham gia thực hiện dự án KTTH là rất cần thiết. CIEM thống nhất đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH cho 4 lĩnh vực là: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. |
Theo Thời báo Tài chính