Chính sách tài khóa hiệu quả, thích ứng với điều kiện nền kinh tế

author 17:12 16/04/2024

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, chính sách tài khóa của Việt Nam thời gian qua linh hoạt và thích ứng được với hoàn cảnh của nền kinh tế. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư công sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024.

Chính sách gia hạn, giảm thuế đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong vài năm qua, kinh tế Việt Nam đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn từ Covid-19, có một thời kỳ phục hồi ngắn, sau đó tình hình chung của thế giới có nhiều biến động, xung đột địa chính trị gia tăng như xung đột Nga - Ukraine, xung đột tại giải Gaza, căng thẳng trên Biển Đỏ… Điều này làm cho các diễn biến vĩ mô phức tạp, dẫn đến nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do nhu cầu bên ngoài giảm.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ chính sách, có thể thấy, chính sách tài khóa của Việt Nam thời gian qua linh hoạt và thích ứng được với hoàn cảnh của nền kinh tế. Việc điều hành chính sách cũng tương đối mạch lạc. Tức là khi nền kinh tế cần có kích thích, kích cầu nội địa thì chính sách tài khóa đã kịp thời nhận diện để đưa ra các biện pháp, các chi tiêu Chính phủ phù hợp với nhu cầu kích cầu nội địa.

Ông Nguyễn Bá Hùng

Chính sách tài khóa mở rộng là phù hợp với giai đoạn vừa qua, phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế và tạo điều kiện duy trì được tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án về hạ tầng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tham gia vào các dự án này, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.

Các khoản hỗ trợ như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, giảm thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng rất có lợi, đặc biệt là kích thích tiêu dùng trực tiếp, qua đó thúc đẩy tổng cầu. Bên cạnh đó, một số khoản chi hỗ trợ cho những người lao động thu nhập thấp, hoặc các gia đình ở diện nghèo, cận nghèo là các khoản chi ngân sách phù hợp, vừa đáp ứng được yếu tố kinh tế, vừa đáp ứng được yếu tố xã hội.

PV: Vai trò của chính sách tài khóa trong hỗ trợ tăng trưởng được thể hiện thế nào trong năm qua và năm 2024, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Năm 2023 là năm cuối của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau Covid-19 và các biện pháp tài khóa 2023 như các chương trình giảm thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ doanh nghiệp, trợ cấp lãi suất cho các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phục hồi của kinh tế và tăng trưởng đạt hơn 5%.

Đầu tư công có tác động mang tính lan tỏa

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, tác động của đầu tư công là tác động mang tính lan tỏa. Tức là khi thực hiện đầu tư công thì không chỉ làm tăng cầu nội địa để thực hiện các dự án, mà đồng thời khi các dự án được thực hiện cũng làm cho các hoạt động kinh tế, xã hội ở khu vực dự án đó sôi động hơn. Vậy nên đầu tư công vẫn là trọng điểm then chốt trong chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng.

Bước sang năm 2024, việc giảm thuế giá trị gia tăng được tiếp tục ít nhất đến nửa đầu năm 2024 là điều mà chúng tôi đánh giá là rất tích cực. Gần đây Bộ Tài chính cũng cho biết, việc triển khai chính sách tài khóa cần đảm bảo cân đối giữa kích thích cầu nội địa và tài chính công vì khi thực hiện thì Chính phủ sẽ giảm thu ngân sách và cũng sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách.

Vì vậy, năm 2024, chúng tôi cho rằng, chính sách tài khóa vẫn tiếp tục đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ tăng trưởng, trong đó đầu tư công là động lực chính và giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện chính sách tài khóa.

Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh vào chính sách tài khóa trong năm 2024 là do chính sách tiền tệ đã rất hỗ trợ tăng trưởng rồi, dư địa và không gian chính sách để tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa là không còn nhiều.

Vì vậy, về mặt chính sách vĩ mô thì sẽ phải tập trung vào thực hiện các giải pháp tài khóa thay vì tiền tệ. Và trong chính sách tài khóa thì cần lưu ý đẩy mạnh thực hiện đầu tư công. Đồng thời, chính sách tài khoá có hiệu ứng kích cầu nội địa sẽ tạo ra cầu tín dụng để phối hợp với chính sách tiền tệ vận hành hiệu quả hơn.

PV: Quan sát diễn biến của kinh tế Việt Nam, ông có khuyến nghị gì cho công tác điều hành chính sách tài khóa trong năm 2024 để đảm bảo các mục tiêu vĩ mô và tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Vị thế tài khóa thuận lợi, với thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Chương trình giảm thuế giá trị gia tăng hiện tại đã được gia hạn tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024.

Một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỷ USD đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể. Đầu tư công được đẩy mạnh và điều kiện kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024.

Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý.

Ngoài đầu tư công, giảm thuế, phí, còn có các biện pháp tài khóa khác hỗ trợ tổng cầu có thể thực hiện như: các chương trình hỗ trợ an sinh như trợ cấp thất nghiệp, phúc lợi xã hội hoặc hỗ trợ chuyển dịch ngành nghề, đào tạo lại lao động. Chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai trong các năm trước.

Tuy nhiên, việc có sử dụng các công cụ tài khóa này trong năm 2024 hay không và làm ở quy mô nào phụ thuộc vào đánh giá và cân nhắc chính sách của Chính phủ, dựa theo diễn biến của tăng trưởng kinh tế. Nếu thấy cần thiết phải làm thì sẽ tiếp tục. Còn nếu cầu nội địa ổn định thì sẽ không kích thích.

Nhưng tôi cho rằng, đến nửa đầu của 2024, các biện pháp tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng 2% và một số giải pháp khác vẫn đang còn hiệu lực sẽ là yếu tố tích cực để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo tài chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang