Doanh nghiệp làm chủ công nghệ thời 4.0

author 07:42 31/08/2020

(VietQ.vn) - Để “đón sóng” 4.0, doanh nghiệp không còn cách nào khác chính là cùng tham gia “cuộc chơi”, nhanh chóng tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ…

Hiện nay, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Định nghĩa một cách dễ hiểu, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Trước bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành một “làn sóng” mạnh mẽ, việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định, để “đón sóng” 4.0, doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ thời 4.0. Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) viện dẫn, Báo cáo Việt Nam trước ngã ba đường của Ngân hàng thế giới năm 2017 đã tổng kết có 3 phương thức cơ bản để có thể nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu: Thứ nhất, Nâng cấp quy trình sản xuất: Giá trị được gia tăng thông qua việc sản xuất có hiệu quả hơn, như áp dụng công nghệ và kỹ năng sản xuất tiên tiến, tối ưu hóa quy trình sản xuất;

Thứ hai, Nâng cấp sản phẩm: Giá trị được gia tăng thông qua tạo ra sản phẩm tốt hơn hoặc sản phẩm mới, ví dụ như thay đổi thiết kế, kiểu dáng và nâng cao thương hiệu, chất lượng.

Thứ ba, Nâng cấp hoạt động kinh doanh: Giá trị được gia tăng thông qua mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ như bổ sung công năng cho dây truyền sản xuất hiện tại, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tự thiết kế, mở rộng hoạt động marketing và bán hàng.

Như vậy, doanh nghiệp không còn cách nào khác chính là cùng tham gia “cuộc chơi”, nhanh chóng tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, tùy loại nhóm doanh nghiệp khác nhau, năng lực khác nhau mà có thể tham gia các “sân chơi” khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đại trà thì cần tích cực ứng dụng công nghệ, công nghệ số…; còn các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có nhiều tiềm năng, có thể đi bước tiến sâu hơn, tiến tới làm chủ công nghệ và vượt lên…

Câu chuyện ‘ra đi’ hay ‘trở về’ của nhân tài công nghệ Việt Nam(VietQ.vn) - 81,8% lao động trình độ cao trong ngành công nghệ Việt Nam đang làm việc tại Mỹ. Nhân sự trong lĩnh vực này thường chọn cách “ra đi” để tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn, đãi ngộ cao hơn. Vingroup, với chiến lược phát triển tập trung vào lĩnh vực công nghệ, sẽ giải bài toán này như thế nào để giữ nhân tài ở lại?

Thanh Tùng

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang