Dự đoán 10 xu hướng công nghệ năm 2022

author 14:06 08/02/2022

(VietQ.vn) - Công nghệ 4.0 ngày càng đóng vai trò quan trọng và ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đời sống, trang tin The National Business dự báo 10 xu hướng công nghệ hàng đầu năm 2022.

1- Trí tuệ nhân tạo sáng tạo (AI)

Một trong những kỹ thuật trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ nhất được triển khai ra thị trường là AI sáng tạo. Kỹ thuật liên quan đến tập hợp các phương pháp đào tạo Máy học, tìm hiểu sâu và logic về nội dung hoặc đối tượng từ dữ liệu đã có và sử dụng kiến ​​thức đã xử lý để tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới và sát thực tế hơn.

Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner, có trụ sở tại Connecticut dự kiến ​​Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra gần 10% tổng số dữ liệu trên thế giới, tăng từ mức chưa đầy 1% hiện nay. 

Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng được áp dụng thiết thực vào đời sống 

Công nghệ Trí tuệ Nhân tạo được sử dụng cho những ứng dụng như tạo code phần mềm, tăng tốc phát triển các loại thuốc mới và tiếp thị có mục tiêu. Các nhà phân tích trong lĩnh vực AI cảnh báo, công nghệ cũng có thể bị lạm dụng để tiến hành các hoạt động lừa đảo, truyền bá thông tin sai lệch về chính trị, tạo danh tính giả mạo.

2- Điện toán hiệu năng cao (HPC) sẽ trở thành công nghệ chủ đạo

Với sự phát triển mạnh mẽ của nghiên cứu dựa trên Big Data hay Điện toán đám mây, điện toán hiệu năng cao chắc chắn sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong năm 2022.

Chúng ta đã thấy những phát minh bùng nổ trong lĩnh vực máy tính lượng tử bởi những doanh nghiệp nổi tiếng như Google, IBM, Microsoft, Amazon hay Alibaba. Các công ty khởi nghiệp như Rigetti Computing, D-Wave Systems, ColdQuanta, 1QBit, Zapata Computing và QC cũng đã trở thành kỳ lân của ngành về công nghệ cũng như tốc phát triển của họ.

Bởi nhu cầu sử dụng một bộ máy lớn hơn hỗ trợ việc nghiên cứu đang tăng cao, điện toán lượng tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Chúng ta sẽ có thể thấy được các thành tích nổi bật hơn về nghiên cứu qubit (bit lượng tử) trong đầu năm mới này. Thương mại trong điện toán lượng tử sẽ sớm nằm trong tầm tay và chúng ta sẽ sớm thấy những ứng dụng của công nghệ đời sống nhanh hơn.

3- Các hệ thống tự động hóa tự chủ cao

Khi các doanh nghiệp tiếp tục chuyển đổi sang công nghệ số, lập trình truyền thống hoặc tự động hóa đơn giản sẽ không đáp ứng được quy mô phát triển. 

Hệ thống tự động hóa tự chủ là những hệ thống vật lý hoặc phần mềm tự quản lý, tự học hỏi từ môi trường xung quanh. Không giống như các hệ thống tự động hóa cao, các hệ thống tự chủ có thể tự sửa đổi các thuật toán không cần cập nhật phần mềm bên ngoài, tương tự như tư duy nhận thức con người.

Những hệ thống tự chủ được triển khai trong các môi trường an ninh phức tạp, trong tương lai sẽ trở thành phổ biến trong các hệ thống vật lý như robot, máy bay không người lái (UAV), các thiết bị sản xuất công nghệ Máy học và Không gian sống, làm việc thông minh”.

4- Bảo mật và an ninh mạng được đặt lên hàng đầu

Khi chuyển đổi số ngày càng trở nên phổ biến, việc các doanh nghiệp và cá nhân bị tấn công mạng đang ngày một diễn ra nhiều hơn trên toàn cầu. Trong năm 2022, các cuộc phá hoại an ninh mạng có thể sẽ xảy ra ở quy mô lớn hơn trên tất cả các ngành lĩnh vực khác nhau.

Ứng dụng AI sẽ giúp tạo ra các giao thức an ninh mạng mạnh mẽ. Ngoài ra, sử dụng công nghệ AI còn giúp hệ thống an ninh mạng phát hiện các rủi ro và học được các hành vi vi phạm của tội phạm công nghệ cao, từ đó ngăn chặn các cuộc tấn công vào hệ thống dữ liệu trong tương lai. Hơn nữa, AI cũng góp phần tối ưu thời gian xử lý các công việc mang tính lặp lại của chuyên viên an ninh mạng.

5- Xu hướng ứng dụng công nghệ blockchain

Blockchain là một hệ thống sổ cái cho phép các công ty có thể theo dõi, giám sát các giao dịch và hợp tác kinh doanh với các đối tác chưa được xác minh mà không cần tới sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính. Công nghệ này giúp làm giảm các vấn đề khi kinh doanh, đồng thời đem lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp như liên kết mạng lưới dữ liệu của doanh nghiệp, tính công khai, minh bạch, bảo mật, không thể sửa đổi và phi tập trung.

Nhờ những lợi ích trên, ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp đã trở nên phổ biến và sẽ tiếp tục can thiệp sâu vào nhiều lĩnh vực hơn nữa trong tương lai từ trò chơi điện tử, bộ máy chính phủ đến tài chính nói chung. Theo International Data Corporation (IDC), các doanh nghiệp đã chi gần 6,6 tỷ USD vào các giải pháp blockchain trong năm 2021, tức tăng trưởng 50% so với năm 2020. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng đến 15 tỷ USD vào năm 2024. Với sự phát triển vượt bậc của NFT và Metaverse, Blockchain chắc chắn sẽ trở thành một công nghệ đóng vai trò quan trọng trong năm 2022.

6- Hyperautomation – Tăng cường tự động hóa doanh nghiệp

Hyperautomation là quá trình trong đó các doanh nghiệp tiến hành tự động hóa ứng dụng các công nghệ AI, Máy học và robot hóa. Quy trình Hyperautomatio cho phép tăng trưởng nhanh và khả năng phục hồi kinh doanh bằng giải pháp nhanh chóng tìm kiếm, thử nghiệm và tự động hóa nhiều quy trình hoạt động nhất có thể.

Theo International Data Corporation, trong năm 2022, gần 45% các công việc lặp đi lặp lại sẽ được tự động hóa và tăng cường bằng ứng dụng nhân viên kỹ thuật số, hỗ trợ bởi AI và robot hóa.

7- Chế tạo Robot sẽ thịnh hành hơn trước

Việc ứng dụng công nghệ robot vào các lĩnh vực đời sống và sản xuất như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp ô tô, kho vận, và quản lý chuỗi cung ứng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ được chứng kiến nhiều ứng dụng robot tự động hoá trong các ngành, lĩnh vực khác nữa.

RPA (Tự động hóa quy trình bằng robot) đã giúp lược bỏ các hoạt động phải lặp đi lặp lại liên tục, từ đó, tối ưu hoá các hoạt động kinh doanh sản xuất. RPA sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và trở thành một tiêu chuẩn về công nghệ được ứng dụng trong các doanh nghiệp. 

8- Kết nối thông minh thúc đẩy tăng trưởng

Những kết nối kỹ thuật số tốc độ cao trên cơ sở công nghệ 5G và Internet of Things (LoT) sẽ mở ra những tiềm năng chưa được khai thác, bổ sung vào sự mở rộng của nền kinh tế thế giới.

Duy trì và phát triển kết nối tốc độ cao trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, thông tin và truyền thông, chăm sóc sức khỏe, sản xuất và bán lẻ sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu thêm từ 1,2 tỷ USD đến 2 tỷ USD vào năm 2030.

9- Metaverse sẽ toả sáng trong năm 2022

Metaverse (vũ trụ ảo) là một vũ trụ số hoá liên kết các khía cạnh của mạng xã hội, game online, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), và tiền điện tử để cho phép người dùng có thể tương tác thông qua thực tế ảo. Nói ngắn gọn hơn, Metaverse liên quan đến tất cả những gì ở trên Internet, bao gồm tất cả các dịch vụ thực tế tăng cường (AR). Đây chính là không gian ảo, nơi mà người dùng có thể truy cập tới tất cả các loại dịch vụ giải trí, dự án hay thậm chí là làm việc ngay trong vũ trụ này.

 2022- Thời đại của các phiên bản thực tế ảo

Metaverse trong tương lai chắc chắn sẽ trở nên phong phú hơn, phổ biến trên toàn thế giới và có thể sử dụng miễn phí. Vũ trụ ảo này sẽ tập trung vào các hoạt động số hoá như giải trí, kết nối cộng đồng, làm việc trực tuyến hay thay đổi các hành vi của con người trên quy mô lớn. Metaverse cũng sẽ tạo ra một hệ sinh thái dành cho các lập trình viên, phần mềm, quảng cáo và nhiều phát minh mới giúp việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ một cách đơn giản hơn. Khả năng thanh toán trực tuyến và truy cập các ứng dụng khác của Wechat cũng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn ban đầu của Metaverse.

Hệ sinh thái Metaverse phát triển trong tương lai sẽ tác động trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp công nghệ ở các lĩnh vực khác nhau bao gồm trò chơi, phụ kiện trang sức, VR và AR, các nền tảng hoạt động nhóm (Canva, Slack), các sản phẩm công nghệ (kính thực tế tăng cường hay loa thông minh), mạng xã hội, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ truyền thông (Zoom), tiền điện tử, và nhiều lĩnh vực khác.

10- Xu hướng ứng dụng công nghệ trong Khoa học và Đời sống

Lĩnh vực Khoa học và Đời sống có rất nhiều nhánh nhỏ khác nhau bao gồm: Dược phẩm, Công nghệ sinh học, Khoa học môi trường, Y sinh, Thực phẩm chức năng, Khoa học thần kinh, Sinh học tế bào và Lý sinh học. Các ngành này chính là một trong những lĩnh vực phát triển nhất năm 2021 bởi các nước trên thế giới đều tập trung vào việc đầu tư công nghệ vắc-xin mRNA nhằm ngăn ngừa sự lan rộng của Covid-19.

Pfizer-BioNTech và Moderna chính là hai ví dụ điển hình về việc ứng dụng công nghệ mRNA trong việc chế tạo vắc-xin. Hoặc thuốc chữa Covid của Merck cũng là một bằng chứng cho việc lĩnh vực Khoa học và Đời sống đang ngày càng phát triển mạnh.

Năm 2022, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc ứng dụng các công nghệ trên cũng như nhiều công nghệ tiên tiến khác vào hoạt động của doanh nghiệp sau đại dịch Covid19. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư tận dụng tối đa các xu hướng công nghệ trong kinh doanh để phát triển.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang