Đưa rau sạch về khu khu tập thể

author 07:12 26/11/2012

Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu tập trung rà soát, tìm địa điểm tại các khu chung cư, khu tập thể, nhà văn hóa, sân chơi… để tổ chức bán rau khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày…

 Mua theo kiểu... niềm tin

Lâu nay, người dân Hà Nội luôn có nỗi “thèm” được ăn rau sạch, nhưng mua được rau sạch không dễ. Có một thực tế là những cửa hàng bán rau sạch không ít, nhưng các bà nội trợ vẫn phải mua rau trong tâm trạng… may rủi.
 
“Tôi thấy người ta bảo là sạch thì cứ cố mà tin là sạch, chứ còn ai mà biết được nó có sạch không. Hy vọng là người ta không lừa mình...” – chị Thủy ở Ngõ 84 Ngọc Khánh nói khi được hỏi về độ tin cậy của cửa hàng rau sạch mà chị vẫn thường mua.
 
Trong khi đó, những người bán rau “không nhãn mác” ở chợ thì đa số “bĩu môi” khi nói đến những cửa hàng bán rau sạch. Họ thường “rỉ tai” những bà nội trợ: “Ôi giời, người ta cũng mua cùng một chỗ với bọn tôi chứ đâu. Sạch gì mà sạch, có mà sạch… tiền thì có. Bỏ tiền mua đắt mà chẳng hơn gì”…
Rau bán ở khu dân cư
Rau bán ở khu dân cư
 
Nhiều người cũng cho biết, các biển quảng cáo hay đặc điểm nhận diện rau sạch cũng rất mù mờ, không có hướng dẫn để người dân nhận biết đâu là biển thật, đâu là biển giả.
 
Điều đáng nói là trong khi những bà nội trợ mỏi mắt đi tìm rau sạch và rất dễ bị lừa mua phải rau “bẩn” với giá đắt, thì những người trồng rau theo đúng tiêu chuẩn an toàn lại không tìm được đầu ra, bởi “vàng thau lẫn lộn” khi sản phẩm của họ cũng bị mang ra chợ bán như những loại rau khác. Điều đó cũng khiến nhiều nông dân không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục trồng rau sạch.
 
Nhiều người tiêu dùng vì thiếu niềm tin vào các cửa hàng rau sạch và lo cho sức khỏe đã phải tự tay mình trồng những cây rau trong chậu cảnh, gieo rau mầm, làm giá đỗ… Tuy nhiên, cách làm này rất khó cung cấp đủ lượng rau xanh cho cả gia đình. Hơn nữa, cũng chỉ có thể trồng một số loại rau nhất định chứ không thể phong phú như đi mua ở chợ
 
Đưa rau an toàn đến tận sân tập thể
 
Để dung hòa lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, trong những năm qua, Hà Nội đã tìm đủ mọi biện pháp nhằm đưa được rau an toàn đến với các bà nội trợ. Mới đây, Ngày 2/11, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về việc lưu chuyển, tiêu thụ rau, củ, quả an toàn vào nội thành Thành phố Hà Nội. Theo đó, bắt đầu từ ngày 15/11/2012, các doanh nghiệp tổ chức bán RAT tại các địa điểm đã lựa chọn. Thời gian bán hàng tùy theo từng vị trí, địa điểm và cách thức bán hàng, có thể bán hàng cả ngày nếu địa điểm là các quầy hàng, ki ốt cố định hoặc bán từ đầu giờ sáng và cuối giờ chiều nếu là hình thức bán hàng lưu động.
 
Theo nhận xét của Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Sửu, qua 5 ngày triển khai, các quận và doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức thực hiện, tuy nhiên kết quả còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nội dung kế hoạch đã đề ra.
 
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu các Sở, Ngành, UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng phải tổ chức phát thanh trên loa về địa chỉ những điểm bán rau để nhân dân trong từng quận biết, đến mua ra. UBND Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận trực tiếp chỉ đạo việc phát thanh trên loa tại phường mỗi ngày 2 lần vào các buổi sáng và trưa.
 
Về việc phát triển các địa điểm bán rau an toàn, các quận được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát các địa điểm trên địa bàn có điều kiện để tổ chức bán rau, đảm bảo vệ sinh, không gây ách tắc giao thông, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức đưa rau đến bán vào các thời gian thuận lợi cho người mua, không gây cản trở giao thông vào các giờ cao điểm.
 
Phó Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu tập trung rà soát, tìm địa điểm tại các khu chung cư, khu tập thể, nhà văn hóa, sân chơi… để tổ chức bán rau khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày nhằm hạn chế ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt khác.
 
Theo quy định, tất cả các điểm bán rau phải có biển nhận diện theo mẫu đã được Thành phố phê duyệt. Sở Công thương có nhiệm vụ triển khai thực hiện việc treo biển đến các doanh nghiệp và các hợp tác xã bán rau.
 
Các lực lượng quản lý thị trường có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý, không để rau không an toàn, không rõ nguồn gốc trà trộn vào các điểm bán rau an toàn của Thành phố.
 
UBND cũng giao Sở Xây dựng đề xuất 10 điểm tại các tầng 1 tòa nhà chung cư trên địa bàn Thành phố có thể bố trí bán rau để giới thiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức bán rau an toàn.
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang