Đừng để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ‘cản đường’ xuất khẩu nông sản

author 15:31 14/10/2020

(VietQ.vn) - Những doanh nghiệp Việt Nam khi ra nước ngoài nhiều khi ngã ngửa vì nhận ra nông sản Việt tốt nhưng không đủ tiêu chuẩn…

Những năm gần đây, nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Với việc ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do, điển hình như CPTPP và EVFTA giúp cho quy mô xuất khẩu nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng với nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Tuy nhiên, liên quan đến khía cạnh chất lượng nông sản Việt, hằng năm, Cục Bảo vệ thực vật vẫn nhận nhiều cảnh báo của các nước nhập khẩu, trong đó, chủ yếu là tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức giới hạn cho phép. Đơn vị này cũng cho biết, hiện cả nước ta có khoảng 40% nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Đơn cử, chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào đây bị cảnh báo hoặc trả hàng về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.

Nông sản là mặt hàng chiến lược, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Ảnh minh họa. 

Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam cho biết: Nếu như tại các quốc gia tiên tiến, nông dân có thể vào các cổng thông tin điện tử để tìm hiểu hướng dẫn trồng và chăm sóc nông sản xuất khẩu. Còn với hàng hoá Việt Nam, tình trạng nông sản đến nơi bị trả lại, quay đầu vì không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm vẫn diễn ra. Hơn nữa, rất khó để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi thu mua nông sản hiện nay.

"Những doanh nghiệp Việt Nam khi ra nước ngoài nhiều khi ngã ngửa vì nhận ra nông sản Việt tốt nhưng không đủ tiêu chuẩn. Đó là lý do chúng ta không đi đường dài được trong nông nghiệp. Nội địa mạnh mún, không đạt số lượng và chất lượng. Không có một sự thống nhất trong chính chuỗi sản xuất nông nghiệp Việt", bà Hằng nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại kiêm Tổ trưởng Tổ thị trường châu Âu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Doanh nghiệp trước khi đưa hàng đi phần lớn nắm rõ tiêu chuẩn nhưng mấu chốt nằm ở khâu thu mua, chế biến trong nước chưa đảm bảo.

Người nông dân Việt Nam chưa có nhiều cơ hội làm quen với khái niệm "nông nghiệp công nghệ cao", và đang sản xuất theo tập tính địa phương, mùa vụ. Số những trang trại, hợp tác xã nông nghiệp nắm vững sản xuất và chế biết nông sản theo các tiêu chuẩn quốc tế không nhiều.

Vì vậy, ông Nam cho biết, trong tương lai, 3 phần quan trọng của chuỗi giá trị là thượng tầng (sản xuất), trung tầng (chế biến) và hạ tầng (đưa ra thị trường) cần được phối hợp với nhau tốt hơn. Đồng nghĩa với việc phía doanh nghiệp và nông dân cần bắt tay nhau nâng cao giá trị nông sản, đưa nông sản Việt Nam dần tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững ngành chế biến nông sản Hà Nội(VietQ.vn) - Chuỗi kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững ngành chế biến nông sản Hà Nội năm 2020 được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành chế biến nông sản tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, kích cầu tiêu dùng nội địa…

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang