Em muốn được sống...

author 14:18 30/12/2019

(VietQ.vn) - “Em muốn được sống, muốn được có người yêu nữa…” – Em là Phương Mai – bệnh nhân trẻ nhất Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức - năm nay 15 tuổi và đã chạy thận được hơn 4 năm. Em phải nghỉ học và ở luôn nhà nghỉ bệnh viện để tiện cho việc lọc máu và truyền hóa chất.

Chúng tôi gặp em tại tầng 3, Khu C4, Bệnh viện Việt Đức trong một buổi chiều mùa đông những ngày giáp Tết Nguyên đán. Phương Mai – cái tên đẹp trong trẻo chứa đầy hi vọng như ánh nắng mai nhưng khuôn mặt em có vẻ già dặn trước tuổi khi đáng ra với độ tuổi: tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi đến trường thì em phải ngày đêm chiến đấu với căn bệnh khắc nghiệt.

Ai mà chẳng muốn có người yêu hả chị?

 

Ban đầu khi nhìn thấy ống kính em khá bẽn lẽn, thế rồi với sự mạnh mẽ và bản lĩnh vốn có em mạnh dạn chia sẻ: Em phát hiện bị thận từ năm lớp 5 khi trên ngón tay nổi lên các u cục, đến khi đi khám đã là giai đoạn cuối. Gác lại sách vở, xa bạn bè, trường lớp, thầy cô, em cùng mẹ xuống bệnh viện Việt Đức để kiếm sự sống. Từ đó em ở luôn nhà nghỉ bệnh viện để tiện cho việc lọc máu và truyền hóa chất 12 tiếng/tuần.

Gia đình em ở tận Yên Bái. Dưới em còn em trai năm nay đang học lớp 4. Mẹ em làm trong một công ty may còn bố em làm mộc. Bình quân mỗi tháng tổng mức lương của bố mẹ là 7 triệu thì gửi cho em 3 triệu dưới Hà Nội để vừa chữa bệnh, vừa chi tiêu ăn uống hàng ngày.

Với 3 triệu/tháng em chi tiêu những gì? – Tôi hỏi

Cứ mỗi tháng riêng tiền mua quả lọc thận, tiền thuê trọ là khoảng 1,6 triệu do gia đình em là hộ nghèo nên được hỗ trợ. Còn lại là tiền ăn của em ạ. – Em trả lời

Giữa đất hà thành nhộn nhịp, xa hoa số tiền 1,4 triệu đồng còn lại ấy có thể chỉ đáng chi trả cho một bữa ăn nhưng cũng chính số tiền này lại là số tiền quý báu để duy trì sự sống của một con người.

Em bảo: “Thỉnh thoảng nhớ nhà em về 2 ngày rồi lại phải xuống để lọc máu. Em thèm cơm gia đình lắm. Em nhớ bố mẹ, nhớ em trai, nhớ mọi người…”.

Khi những bữa cơm gia đình thường ngày được thay thế bằng việc nằm lọc máu và làm bạn với kim tiêm.

 
Khi bệnh viện là nơi in dấu chân em tới. 

Em - với những ngón tay gầy guộc đan vào nhau, thân hình nhỏ bé cùng những vết sẹo nhỏ to trên cánh tay do lọc máu, đôi mắt hai mí to tròn vừa có sự hồn nhiên của một đứa trẻ, vừa chứa đựng nỗi buồn của một người từng trải mà có lẽ ngòi bút của tôi chẳng thể nào lột tả: “Em cứ chạy thận thôi, chạy chưa biết đến bao giờ. Em muốn được sống chị ạ, muốn được có người yêu nữa. Ai mà chẳng muốn có người yêu hả chị?…”. Tôi cười, chưa bao giờ cảm thấy nụ cười của mình nghẹn ngào đến vậy.

Thế đấy, với nhiều người việc sống là chuyện vốn bình thường, được yêu đương là chuyện dĩ nhiên khi gái trai đến tuổi nhưng với em điều đó thực vĩ đại, vĩ đại đến mức khiến em đỏ khát khao trong lòng mắt.

Quãng đường quen thuộc suốt hơn 4 năm nay của em là từ phòng lọc máu về giường ngủ - góc giường vỏn vẹn đủ nằm, cứ thế như một thói quen. Tài sản của em được khóa kĩ trong một chiếc tủ nhôm dài khoảng 50cm dưới gầm giường ngủ. Em cười và khoe: “Em sống được là nhờ thẻ bảo hiểm y tế đấy chị ạ. Em được hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị và chỉ mất tiền mua quả lọc thận 1,3 triệu đồng/tháng. Nếu không có nó, em đã…”. Rồi em bảo, các y, bác sĩ trong bệnh viện từ lâu rồi như người nhà của em vì bố mẹ, người thân của em đều ở quê. Em cũng tham gia các Câu lạc bộ tại bệnh viện, em thấy vui và yêu đời hơn.

Bs. Ts. Nguyễn Thế Cường khám cho các bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận lọc máu.

 

Chia sẻ cùng chúng tôi, Bs. Ts. Nguyễn Thế Cường - Trưởng Khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Việt Đức cho biết, mắc phải căn bệnh này thì người giàu cũng thành người nghèo bởi chi phí điều trị tốn kém, thậm chí thời gian điều trị dai dẳng đến hết đời. Trung bình một bệnh nhân chạy thận chu kỳ, tổng chi phí điều trị mất khoảng 12-15 triệu/tháng. Nếu như không có thẻ bảo hiểm thì câu chuyện đó thực sự là quá tải.

Và rõ ràng không chỉ với Phương Mai – một cô bé đầy nghị lực sống - mà còn với hàng trăm nghìn bệnh nhân đang chạy thận, ghép thận và mắc nhiều bệnh lí mãn tính khác thì thẻ bảo hiểm chính là tấm “kim bài miễn tử” để các bệnh nhân được quyền sống và tiếp tục ước mơ. Bác sĩ Thế Cường cũng cho biết thêm, tại khoa, hiện có những bệnh nhân chạy thận ít cũng phải 2 năm, nhiều lên tới 24, 25 năm.

Trở lại câu chuyện bên chiếc giường trong cuộc trò chuyện, thấy em nhìn đồng hồ, tôi hỏi: Em đi đâu phải không?

“Em đi chợ nấu cơm chị ạ. Em có một chiếc nồi cơm điện nhưng chính là cả cái bếp của em suốt mấy năm nay: Luộc rau, luộc trứng, nấu cơm… tất tần tật trong ấy” - Em cười.

Chúng tôi sắp xếp máy quay vào túi để chuẩn bị ra về, bầu trời đã nhá nhem tối và chúng tôi vẫn nhìn thấy ánh nắng trong đôi mắt của một “chiến binh”…

Tọa đàm: Giải pháp từ chuyên gia giúp đẩy lùi căn bệnh xương khớp an toàn và hiệu quảTrước kia, bệnh lý liên quan tới xương khớp thường xảy ra ở tuổi trung niên, ngày nay bệnh đã dần trẻ hoá do thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc, đặc biệt là giới văn phòng ngồi 1 chỗ, ít vận động. Và để cùng hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách điều trị hiệu quả cho những ai đang mắc phải kính mời quý vị cùng theo dõi tạo đàm cùng những chia sẻ từ chuyên gia.

NGỌC XEN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang