Gấu đối diện nguy cơ mất nhà

author 09:50 11/10/2012

Hàng nghìn con gấu ở Việt Nam bị đánh bẫy, nhốt trong những trại nuôi gấu lấy mật, khiến số lượng gấu tự nhiên giảm đến báo động. Bốn năm qua, gần trăm con gấu có một chốn nương thân bình yên, đó là Trung tâm cứu hộ gấu đầu tiên tại Việt Nam ở Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo. Nhưng dự án xây dựng trung tâm cứu hộ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ NN-PTNT phê duyệt ấy đang có nguy cơ dang dở...

 Nhà gấu đôi số 2 "cánh xòe cánh cụp" sau khi bị tạm dừng dự án.
Nhà gấu đôi số 2 "cánh xòe cánh cụp" sau khi bị tạm dừng dự án.

Mặc dù Dự án Trung tâm cứu hộ gấu trị giá gần 3,4 triệu USD được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt, nhưng quyết định tạm dừng việc xây dựng lại của Giám đốc VQG Tam Đảo…

Những người nhường chỗ cho gấu

Lũng Chắt Dậu, còn gọi là Long Vân, nằm trong VQG Tam Đảo khá bằng phẳng, được bao xung quanh bằng những quả núi. Ông Huyên Thanh Hùng, ở thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc kể lại rằng, năm 1983, bố con ông đã vào Chắt Dậu khai khẩn theo lời kêu gọi của chính quyền địa phương. Vào thời điểm đó, thung lũng chỉ toàn sim mua và cỏ dại, đất đá lổn nhổn. Để khai phá được hơn 9.000m2 đất, bố con ông Hùng đã dùng mòn vẹt không biết bao nhiêu cuốc xẻng cho xuể.

Cùng thời điểm đó, lũng Chắt Dậu có tất thảy tám hộ dân vào khai hoang và ở lại trong vườn cho đến tháng 11-2010 thì di dời, khi chính quyền huyện Tam Đảo kêu gọi thu hồi. Hồi đó, ông Hùng và bảy hộ gia đình, mặc dù xót xa vì phải để lại phần đất mình đã đổ mồ hôi cật lực trong nhiều năm mới có được ấy với một mức giá đền bù không cao, nhưng tất thảy đều tự nguyện ra đi. Họ biết, họ đi để nhường phần đất của mình xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu.

Ông Hùng kể, ông đã trồng su su và chè trên mảnh đất khai khẩn ấy. Mỗi năm, chỉ riêng đám vườn su su cho ông khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng khi phải bỏ lại tất cả công sức của mấy chục năm, ông chỉ nhận được hơn 600 triệu đồng. Số tiền ấy ông đem sửa chữa lại căn nhà cũ ở thôn Làng Hà và sống tại đó đến nay.

Nhà gấu đôi số 2 vào tháng 11 năm ngoái, sau quyết định tạm dừng khó hiểu, nó vẫn tiếp tục được hoàn thành phía bên không có cây gạo.
Nhà gấu đôi số 2 vào tháng 11 năm ngoái, sau quyết định tạm dừng khó hiểu, nó vẫn tiếp tục được hoàn thành phía bên không có cây gạo.

Theo TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tại Việt Nam, đồng Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu, mặc dù dự án không có trách nhiệm phải giải phóng mặt bằng, nhưng vì linh động, AAF đã bỏ ra hơn 4,6 tỷ đồng đền bù cho các hộ dân. Vì theo văn kiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt, một trong các đóng góp của các đối tác Việt Nam đối với việc thực hiện dự án là cung cấp đất (mặt bằng) để xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu.

“Việc giải phóng mặt bằng cho một dự án phi lợi nhuận sẽ khác việc giải phóng mặt bằng cho một dự án đầu tư. Giả sử biết dự án cứu hộ gấu bị dừng để cho một dự án kinh doanh vào, mang lại lợi nhuận cho một số người, tôi nghĩ chắc chắn dân sẽ kiện, vì họ đã phải di dời để nhường lại đất cho gấu”, ông Tuấn nói.

Nửa phần đất bị “treo”

Lần đầu tiên chúng tôi đến Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo vào năm 2009, lúc đó mới chỉ có mỗi khu cách ly với gần hai chục con gấu vẫn phải nuôi trong những căn phòng, nhưng rộng rãi hơn rất nhiều so với những chuồng trại nuôi gấu lấy mật. Hồi đó, lũng Chắt Dậu vẫn còn những hộ dân sinh sống, nhưng tôi đã nghe ông Tuấn Bendixsen mô tả về giai đoạn 2 của trung tâm, với những khu bán hoang dã nơi gấu có thể ra ngoài trời tha hồ đùa nghịch.

Và rồi, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thể hiện bằng công văn số 2144/TTg-QHQT ngày 5-12-2008 cho phép Bộ NN-PTNT tiếp nhận dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu, ngày 4-5-2009, Bộ đã chính thức phê duyệt dự án. Trong văn kiện dự án đã chỉ rõ địa điểm thực hiện là “Thung lũng Chắt Dậu thuộc Khu hành chính và dịch vụ du lịch của VQG Tam Đảo cách cổng chính của Vườn khoảng 1,2km”.

Sau khi 12 ha đất được giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2010, dự án đã xây dựng hoàn thiện một khu nhà gấu đôi với hai khu bán hoang dã, khu nhà gấu con và khu xử lý chất thải số 2. Còn khu nhà gấu đôi thứ hai vẫn đang xây dang dở, mới chỉ hoàn thiện được một khu bán hoang dã bên phải. Khu bán hoang dã còn lại, ngay sát cây gạo to, nằm lừng lững giữa thung lũng thì đang bị tạm dừng việc xây dựng bằng một quyết định khó hiểu.

Gấu đang nô đùa trong nhà gấu đôi số 1 đã hoàn thành năm 2010.
Gấu đang nô đùa trong nhà gấu đôi số 1 đã hoàn thành năm 2010.

Rất nhiều nhân viên của Trung tâm cứu hộ gấu vẫn còn nhớ cái ngày 29-9-2011 định mệnh ấy. Hôm đó, theo đúng tiến độ, sau khi hoàn thành khu bán hoang dã phía bên phải, những người thi công bắt đầu đào móng xây hàng rào của khu bán hoang dã bên trái của nhà gấu đôi thứ 2. Vừa lúc, Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Đình Tiến đi kiểm tra và bắt phải dừng việc thi công. Công văn số 127/VTĐ về việc tạm dừng xây dựng của VQG Tam Đảo do ông Đỗ Đình Tiến ký trong ngày hôm đó với lý do: việc xây dựng hàng rào khu bán hoang dã số 2 không đúng với quy hoạch của Vườn và sự thỏa thuận thống nhất giữa Vườn quốc gia Tam Đảo và Trung tâm cứu hộ gấu.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Trung tâm cứu hộ gấu lại vi phạm quy hoạch của Vườn, khi khu bán hoang dã này nằm trong khu đất thuộc pha 2 của dự án đã được phê duyệt, và cũng nằm trong khu đất đã được giải phóng mặt bằng?

Trong phần đất 12ha được quy hoạch để xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu, một nửa phía ngoài đã hoàn thành, trở thành nơi sinh sống của 99 con gấu đang được cứu hộ tại đây. 6ha đất phía sát chân núi vẫn để hoang từ độ tám hộ dân tự nguyện ra khỏi rừng…

Sáu tháng “lần khân” cùng nhiều lý do

Hơn sáu tháng đã qua từ quyết định tạm dừng khó hiểu đó. Trong thời gian này, các khu xây dựng còn lại như nhà gấu con, khu xử lý chất thải… đều được phép xây dựng tiếp. Tháng 12 năm ngoái và tháng 3 năm nay, hai công trình này đã lần lượt khánh thành và đưa vào sử dụng. Và tuần vừa rồi, nhà gấu đôi thứ hai mới hoàn thành, gấu đã được chuyển vào trong nhà để làm quen, dự kiến, tháng 4 này chúng sẽ được thả vào nửa khu bán hoang dã phía bên này cây gạo.

Một loạt lý do cho việc tạm dừng đã được ông Đỗ Đình Tiến đưa ra sau công văn kia, rằng dự án chưa có đánh giá tác động môi trường, dự án không có tư cách pháp nhân, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có quy hoạch chi tiết 1/500... Giả sử, những lý do đưa ra kia là xác đáng, thì việc tạm dừng xây dựng phải ở tất cả các hạng mục đang xây dựng của Trung tâm cứu hộ gấu, chứ không chỉ tạm dừng ở phần đất phía bên kia cây gạo.

Quy hoạch tổng thể Trung tâm cứu hộ gấu đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Nửa phía trên đang bị VQG Tam Đảo tạm dừng.
Quy hoạch tổng thể Trung tâm cứu hộ gấu đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Nửa phía trên đang bị VQG Tam Đảo tạm dừng.

Và dư luận cũng đặt ra rằng, việc Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo ra công văn tạm dừng việc xây dựng một dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ NN-PTNT phê duyệt là đã đúng thẩm quyền hay chưa? Chưa kể, theo Quyết định số 1555/QĐ-KL-CTVN ngày 4-11-2009 của Cục Kiểm lâm, ông Đỗ Đình Tiến cũng là một đồng giám đốc Ban quản lý Trung tâm cứu hộ gấu phía Việt Nam, cùng với ông Tuấn Bendixsen. Ông Tiến đã tham gia dự án cả một quá trình dài, từ lúc phải làm những thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, cho đến việc giải phóng mặt bằng. Liệu những thiếu sót về thủ tục mà ông yêu cầu cần bổ sung kia, có phải một phần là trách nhiệm của chính ông?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên qua điện thoại, ông Tiến cho rằng ông tạm dừng việc xây dựng là vì dự án còn thiếu một số thủ tục về quy hoạch, nhưng không nói rõ đó là những thủ tục gì. Theo ông Tiến, sau khi dự án hoàn thiện các thủ tục thì sẽ tiếp tục được xây dựng. Nhưng lý do phải tạm dừng xây dựng trên 6ha đất ở phía bên kia cây gạo, phải chăng không chỉ vì thiếu thủ tục? Kỳ sau chúng tôi sẽ đề cập đến nghi vấn này. 

“…Lập luận của VQG Tam Đảo về việc chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là một động thái chủ quan, nhỏ lẻ cản trở việc thực hiện dự án, trái với các văn bản chấp thuận, phê duyệt dự án được cấp phép bởi Chính phủ, Bộ NN-PTNT. Trong trường hợp chủ dự án không thực hiện công việc đánh giá tác động môi trường thì cơ quan có ý kiến chỉ đạo phải là UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trường hợp đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu rõ dự án không thể được tiếp tục do không đảm bảo an toàn cho môi trường, cơ quan lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư và các cơ quan nhà nước có liên quan. VQG Tam Đảo không phải là chủ thể có thẩm quyền về vấn đề này.” (Luật sư Nguyễn Bá Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Phidenson Việt Nam) 

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục điều tra, xác minh về vụ việc này

Theo nhân dân

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:Gấu, Nguy cơ, Mất nhà

tin liên quan

video hot

Về đầu trang