Nghịch lý doanh nghiệp xin tăng giá cước khi giá xăng giảm

author 10:16 21/01/2015

(VietQ.vn) – Liệu pháp ‘không giảm giá không cho phụ thu giá vé xe đò tết’ của Sở Tài chính TPHCM chỉ có hiệu lực đối với số ít doanh nghiệp. Cá biệt, có 5 doanh nghiệp vẫn xin tăng giá cước cận Tết.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Chỉ riêng bến xe Miền Đông tính đến chiều 20/1 mới có 133 trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp vận tải chính thức giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Cá biệt có một số doanh nghiệp xin tăng giá dịp cận Tết, dù giá xăng dầu đã giảm mạnh.

Liệu pháp “không giảm giá không cho phụ thu giá vé xe đò tết” của Sở Tài chính TPHCM chỉ có hiệu lực đối với số ít doanh nghiệp.

Giá cước vận tải đứng yên thêm gánh nặng cho hành khách

Giá cước vận tải đứng yên thêm gánh nặng cho hành khách. Ảnh minh họa

Đại diện chi nhánh công ty vận tải Hoàng Long tại TPHCM cho biết đang làm hồ sơ kê khai giá nhưng Sở Tài chính TPHCM chưa phê duyệt. Đến nay, Hoàng Long kê khai giá cước mới ở đầu tuyến Hải Phòng.

Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết 33/34 doanh nghiệp kê khai giá cước tại TPHCM đã giảm giá, chỉ còn lại chi nhánh công ty Hoàng Long tại TPHCM. Tính đến nay, có 133 doanh nghiệp hoạt động tại bến xe giảm giá cước với mức giảm từ 5-10%, trong đó có 2 đơn vị kê khai lại (không tăng, không giảm), 14 doanh nghiệp giảm giá hai lần.

Các doanh nghiệp còn lại không do đầu tuyến tại TPHCM quản lý. Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai giá cước tại Sở Tài chính các tỉnh, đến nay chưa nộp hồ sơ giá cước cho bến xe để theo dõi, giám sát.Cá biệt, có 5 DN xin tăng giá. Theo lý giải của các doanh nghiệp trên thì ngày thường, dịp thấp điểm đã giảm giá mạnh để cạnh tranh, đến dịp cận Tết thì xin tăng lại như bình thường.

Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết chỉ cho phép doanh nghiệp nào giảm giá cước được phụ thu (mức phụ thu từ 20- 60% giá vé) trong dịp cao điểm tết. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận chỉ “quản” được các doanh nghiệp kê khai giá cước tại TPHCM bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ kê khai giá tại một đầu tuyến. Trụ sở doanh nghiệp đóng ở tỉnh nào nào thì kê khai phương án giá ở tỉnh đó.

Giá cước vận tải phải giảm tiếp

Cuối tuần qua, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định giá cước vận tải giảm 3-10% là tương đối hợp lý. Nhận định về vấn đề này, chiều 20/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: Chưa đủ điều kiện để đánh giá việc giảm cước như vậy đã thỏa đáng hay chưa. Cần phải nói rõ hơn, kết luận đó là kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra từ gần 2 tháng trước; không phải thời điểm Bộ công bố thông tin. Hai tháng trước, thời điểm giá dầu vào khoảng 70-75 USD/thùng.

Nhiều doanh nghiệp vẫn không giảm giá cược vận tải

Nhiều doanh nghiệp vẫn không giảm giá cược vận tải. Ảnh minh họa

Ông Dũng nhận định về diễn biến mới của giá cước vận tải: Hiện giá dầu đã tụt xuống còn 45-47 USD/thùng, giá cước cần phải giảm tiếp để đảm bảo quyền lợi người dân. Tuy nhiên, ông Dũng không đưa ra mức nào cụ thể, bởi ông cho rằng: Về nguyên lý thị trường, kinh doanh vận tải hiện đang cạnh tranh nhiều. Cạnh tranh sẽ do thị trường tự điều tiết. Doanh nghiệp kinh doanh có nhu cầu có lợi nhuận cao, người tiêu dùng muốn giá dịch vụ rẻ. Cơ quan quản lý nhà nước đứng giữa sẽ điều phối sao cho hợp lý các bên thông qua thanh tra, kiểm tra và quy định pháp luật.

Bảo Ngọc (tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang