Khủng hoảng Trung Đông căng thẳng, giá dầu thế giới tăng kỷ lục

author 08:47 28/03/2015

(VietQ.vn) – Giá dầu tăng vọt phiên hôm thứ 5 (26/3) lên sát 60 USD một thùng và dầu WTI vượt 50 USD. Nguyên nhân do lo ngại bất ổn tại Trung Đông sẽ khiến nguồn cung dầu bị gián đoạn.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Giá dầu thế giới tăng trong phiên 26/3 sau khi Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh tiến hành không kích Yemen, gây lo ngại khủng hoảng leo thang ở quốc gia này có thể đe dọa các nước sản xuất dầu ở Trung Đông. Giá xăng dầu hiện nay đang biến động không ngừng.

Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Năm của Mỹ tăng 2,22 USD, hay 4,5%, chốt phiên ở mức 51,43 USD/thùng tại sàn giao dịch New York, mức cao nhất trong hơn ba tuần. Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ, tăng 2,71 USD lên 59,19 USD/thùng, theo báo Vietnam+.

Giá dầu thế giới tăng cao do những khủng hoảng tại Yemen leo thang

Giá dầu thế giới tăng cao do tình hình khủng hoảng tại Yemen leo thang

Báo VnEpress đưa tin theo Bloomberg, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, Yemen sản xuất khoảng 133.000 thùng dầu một ngày vào năm 2013 và là nước sản xuất dầu lớn thứ 39 thế giới. Sản lượng của Yemen đạt đỉnh ở mức hơn 440.000 thùng mỗi ngày năm 2001.

"Yemen không phải nước sản xuất nhiều dầu, nhưng quốc gia này lại nằm trên một khu vực rất quan trọng của Trung Đông", Ric Spooner - chiến lược gia trưởng tại CMC Markets cho biết.

Theo EIA, Yemen nằm trên Bab el-Mandeb, điểm nút vận chuyển dầu lớn thứ 4 thế giới tính theo khối lượng. Eo Bab el-Mandeb nằm giữa Yemen, Djibouti, và Eritrea, nối Biển Đỏ với vịnh Aden và biển Ả Rập.

Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Năm của Mỹ tăng 2,22 USD tương đương 4,5 %

Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Năm của Mỹ tăng 2,22 USD tương đương 4,5 %

Số liệu từ EIA cho thấy trong năm 2013, mỗi ngày có 3,8 triệu thùng các sản phẩm xăng dầu được vận chuyển qua Bab el-Mandeb. Hơn một nửa trong số các lô hàng chuyển tới kênh đào Suez và đường ống SUMED. Cả hai được coi là mối liên kết giữa các cảng của Ai Cập - Ain Sukhna trên Biển Đỏ và Sidi Kerir trên Địa Trung Hải.

Theo EIA, đóng cửa các tuyến đường thủy trên có thể khiến các tàu chở dầu từ Vịnh Ba Tư đến kênh đào Suez và đường ống dẫn SUMED chuyển hướng đi vòng sang mũi phía nam của châu Phi, tốn thêm thời gian vận chuyển và chi phí. Tàu chở dầu từ châu Âu và Bắc Phi cũng sẽ không thể đi theo con đường trực tiếp tới thị trường châu Á nếu đóng cửa eo biển Bab el-Mandeb.

Tháng 11 năm ngoái, OPEC đã quyết định không giảm mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng dầu một ngày. Quyết định của OPEC kết hợp với sản lượng khai thác dầu của Mỹ cao nhất trong hơn 30 năm qua gây ra dư cung, đẩy giá dầu xuống đáy 6 năm hiện tại.

Bảo Ngọc (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang