Gia Lai: Xử phạt hai hộ kinh doanh bán sản phẩm giả mạo nhãn hiệu

author 06:43 06/12/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở kinh doanh vi phạm về buôn bán sán phẩm giả mạo nhãn hiệu.

Liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Gia Lai và Công an huyện Chư Sê kiểm tra đột xuất 1 cửa hàng tại địa chỉ 92 Đường 17/3 (Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) do ông Phạm Công T. làm chủ.

Tại đây, cửa hàng bày bán 20 ví nam, 10 cái ví đựng card, 17 cái ví cầm tay nữ và 150 cái túi xách đều mang nhãn hiệu LOUIS VUITTON, 89 chai nước hoa mang nhãn hiệu GIORGIO ARMANI loại 7ml, 125 chai nước hoa mang nhãn hiệu CHANEL loại 7.5 ml. Qua đối chiếu, toàn bộ hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. 

Lực lượng chức năng đang làm việc với chủ cơ sở kinh doanh 

Tương tự, lực lượng chức năng cũng kiểm tra cửa hàng do ông Trần Duy Viết T. làm chủ (thôn Phú An, xã IaLe, huyện Chư Pưh, Gia Lai). Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở bày bán 50 cái kính mắt thời trang nhãn hiệu GUCCI, 50 cái kính mắt thời trang nhãn hiệu CHANEL, 83 cái ví cầm tay mang nhãn hiệu LOUIS VUITTON, 7 cái ví cầm tay mang nhãn hiệu CHANEL, 134 cái túi xách mang nhãn hiệu LOUIS VUITTON. Qua so sánh thực tế, số hàng trên cũng là hàng giả mạo.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở trên, trình hồ sơ đến Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai. Đội cũng giám sát tiêu hủy 735 sản phẩm là hàng giả theo đúng quy định của pháp luật.

Bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm vào quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Xử phạt hình sự hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Ngoài ra, điều 212 Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể:

Trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang