Ngày hè, gia tăng số trường hợp nhập viện do ngộ độc thức ăn

author 16:30 24/06/2022

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, ngày hè là thời điểm gia tăng các vụ ngộ độc thức ăn do đó người dân cần hết sức cẩn trọng trong việc ăn uống.

Trong những ngày hè nóng bức như hiện nay tình trạng ngộ độc thức ăn khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Nguyên nhân là do khi ở nhiệt độ tăng cao nếu không bảo quản, chế biến thực phẩm cẩn trọng rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trong nửa đầu tháng 6/2022, đã có khoảng gần 150 trường hợp nhập viện nghi do ngộ độc tiêu hóa. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau bụng, nôn, đại tiện phân lỏng, sốt, mất nước điện giải, suy thận.

Còn theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong tháng 4/2022, cả nước xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 157 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong.

Cần ăn uống lành mạnh để tránh ngộ độc thực phẩm ngày hè. Ảnh minh họa

Qua khai thác thông tin các trường hợp này đều liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như sau đi ăn tiệc, ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh, hoặc mua và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm không được bảo quản đúng cách... Và đa số là những người trong cùng một gia đình.

Theo bác sĩ khoa Nội Tiêu Hóa Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí cho biết, tình trạng ngộ độc thức ăn nếu được xử trí kịp thời, đúng cách bệnh sẽ tiến triển tốt, nhanh chóng, không để lại hậu quả gì. Tuy nhiên nhiều trường hợp do không được can thiệp xử trí kịp thời có thể gây ra mất nước nặng, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn nặng, trụy mạch... có nguy cơ đe dọa tính mạng thậm chí tử vong.

Biểu hiện của ngộ độc thức ăn sẽ xuất hiện nhanh chóng và đột ngột như: Đau bụng quặn thành cơn, đầy chướng bụng; đại tiện phân lỏng từ vài lần đến vài chục lần, phân hoa cà hoa cải, hoặc tóe nước, hoặc lẫn nhày máu, mót rặn, sau mỗi cơn đau bụng, người bệnh lại buồn đi ngoài. Người bệnh có thể nôn vài lần ra thức ăn, hoặc chỉ nôn ra dịch dạ dày...

Thậm chí có người bị sốt từ nhẹ đến sốt cao, sốt nóng, sốt rét run... có thể là biểu hiện nhiễm trùng nhiễm độc, nhiễm khuẩn máu, đau đầu, chóng mặt, người nôn nao…Khát nước, mắt trũng, da khô, đái ít... đây là các biểu hiện mất nước từ nhẹ đến nặng. Tụt huyết áp, mạch nhanh... là các biểu hiện nặng của bệnh do tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc nặng...

Do vậy, khuyến cáo người dân nên thận trọng trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần lưu ý bồi phụ nước điện giải. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng nhiều, đại tiện phân lỏng nhiều lần, phân có máu, khát nước, đái ít, mệt mỏi, li bì... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc với sức khỏe của người bệnh.

Liên quan tới vấn đề ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra 10 nguyên tắc “vàng” để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè đối với người tiêu dùng dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đó là, chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang