Giá xăng ngày mai dự báo tăng mạnh

author 14:27 10/02/2022

(VietQ.vn) - Tại kì điều hành diễn ra ngày mai (11/2), giá xăng được dự báo sẽ tăng mạnh có thể ngưỡng 1000 đồng một lít.

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7/2 cho thấy, bình quân xăng RON 92 có giá 101,8 USD một thùng, giá xăng RON 95 ở mức 104,13 USD một thùng. Mức này tăng 7% so với kỳ điều chỉnh trước đó. Do vậy, các chuyên gia xăng dầu dự báo giá xăng ngày mai cơ quan điều hành có thể điều chỉnh quanh mức 1.000-1.200 đồng một lít. Còn dầu tăng quanh mức 800-900 đồng một lít.

Nếu cơ quan quản lý vẫn quyết không để giá xăng, dầu tăng cao thì có thể vừa dùng quỹ bình ổn vừa tăng giá ở mức 600-700 đồng một lít. Nếu đúng như dự báo này, đây sẽ là đợt tăng thứ ba liên tiếp của giá xăng từ đầu năm nay.

Giá xăng ngày mai được dự báo tăng mạnh

 Giá xăng ngày mai được dự báo tăng mạnh.

Tại kỳ điều hành ngày 21/1/2022, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng lên 23.590, RON 95 tăng 490 đồng đạt 24.360 đồng một lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.790 đồng một lít, tăng 660 đồng. Dầu diesel là 18.900 đồng một lít, tăng 670 đồng. Dầu madut là 16.990 đồng một kg, tăng 630 đồng.

Trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành họp bàn giải pháp. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa 10 đề nghị: Một là, các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước (Cục Công Thương địa phương, Tổng cục QLTT, Vụ Thị trường trong nước), các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu) tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp chiều ngày 08/02/2022) và tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện 517 ngày 28/1/2022 yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; Niêm yết, bán đúng giá; Công khai nguồn cung). Đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu bảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống. “Dứt khoát không để thiếu xăng dầu. Đây là mệnh lệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hai là, Cục Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với QLTT các tỉnh tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Nếu không xử lý nghiêm theo quy định; Lên kế hoạch nhập hàng để bảo đảm không thiếu nguồn; Niêm yết giá bán, công khai nguồn cung, sản lượng dự trữ.

Ba là, Tổng cục QLTT, Cục QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất 1-2ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Chú ý, kiên quyết xử lý theo đúng quy định, phạt kịch khung theo Nghị định 95; Phối hợp với cơ quan chức năng như Sở Công Thương, Vụ TTTN, UBND các tỉnh thành phố, đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Bốn là, Vụ TTTN cùng Thanh tra Bộ tham mưu cho lãnh đạo Bộ thành lập Đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước. “Đề nghị Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thành lập Đoàn Thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đối với các cơ sở kinh doanh, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, kiên quyết rút giấy phép nếu có từ 6 tháng trở lên kể từ thời điểm kiểm tra trong tháng 2/2022 trở đi mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường.

Năm là, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên nắm chắc diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, giữ mối liên hệ với cơ quan chức năng về giá (thuộc Bộ Tài chính và các Bộ ngành khác) để tham mưu cho lãnh đạo 2 Bộ và Chính phủ điều hành giá xăng dầu trong nước tiệm cận với biến động giá xăng dầu thế giới.

Đồng thời, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí (hàng ngày) để làm tốt truyền thông nhằm minh bạch hóa mọi thông tin, tránh khủng hoảng.

Sáu là, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ đạo tăng năng lực sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước năng suất cao nhất có thể; PVN tiếp tục đàm phán các bên liên quan để sớm phục hồi hoạt động có hiệu quả của Nghi Sơn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Nghi Sơn nếu vi phạm các điều khoản cam kết và để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là Petrolimex hoặc doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối cần chủ động, tích cực, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng chủ động nguồn nhập khẩu từ cả trong, ngoài nước để không để đứt gãy nguồn cung và không bị sốc vì giá.

Các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân có cần có kế hoạch nhập hàng tăng từ 25-30% trở lên trong hệ thống của mình. Nếu như ở địa phương nào, cơ sở kinh doanh nào phản ánh nguồn cung không bảo đảm thì dứt khoát sẽ bị xem xét xử lý. Đây là trách nhiệm của Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bảy là, đề nghị các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công Thương, ngành Công Thương cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục xuất nhập khẩu vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu cũng như xử lý vi phạm về kinh doanh xăng dầu. Đối với Bộ Tài chính, khẩn trương nghiên cứu, xem xét… Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc tham mưu cho Chính phủ điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Tám là, đề nghị Chính phủ cho phép liên Bộ Công Thương, Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Về lâu dài, kiến nghị xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật.

Chín là, Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN tiến hành đàm phán với các bên liên quan trong liên doanh nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn để bảo đảm nguồn cung như đã cam kết. Trường hợp không bảo đảm được thì phải chịu trách nhiệm, không làm thiệt hại cho các đối tác, không gây xáo trộn thị trường xăng dầu trong nước.

Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở sản xuất xăng dầu khác tăng cường năng suất, công suất sản xuất tối đa, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Mười là, đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương làm tốt công tác tuyên truyền. Thông qua báo chí, Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo kịp thời, điều hành nguồn cung để bình ổn thị trường trong nước.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang