Giải pháp phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế

author 06:52 08/03/2021

(VietQ.vn) - Cần phải có những biện pháp kích thích sự tăng trưởng của một số doanh nghiệp tiềm năng để các doanh nghiệp này phục hồi và tạo ra năng lực cạnh tranh riêng của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2021 được xác định là năm phục hồi kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng được Chính phủ đề ra là 6,5%. Trong 2 tháng đầu năm mặc dù vẫn chịu tác động từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã có những khởi sắc nhất định.

Cụ thể, tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước…

2 tháng đầu năm mặc dù vẫn chịu tác động từ đại dịch Covid-19 nhưng nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã có những khởi sắc nhất định. Ảnh minh họa. 

Thời gian tời, theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica VietNam, chúng ta có thể kì vọng vào một số ngành nghề, lĩnh vực sẽ có cơ hội tăng tốc: Thứ nhất là ngành chế biến, chế tạo, ngành sản xuất công nghiệp để phục vụ cho hàng xuất khẩu. Những ngành hàng này được hỗ trợ bởi vì nhu cầu của thế giới đang phục hồi, cũng được hỗ trợ vì quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của một số chuỗi sản xuất sang Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn thấy đó là các mặt hàng điện tử, điện thoại và một số mặt hàng đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường quốc tế;

Thứ hai, chúng ta có thể nhìn vào thị trường hàng hóa tiêu dùng. Thị trường hàng hóa tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu dùng của người dân. Qu số liệu của 2 tháng đầu năm: thị trường bán lẻ Việt Nam, sức tiêu thụ của người dân Việt Nam dường như vẫn được duy trì. Những mặt hàng sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ có khả năng phát triển;

Thứ ba nữa là ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đảm bảo được khả năng chống chịu khá vững chắc của mình. Mặc dù 1 số địa phương bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trên toàn quốc thì tốc độ sản xuất trong ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì. Ngành nông nghiệp đang hướng đến những thị trường nước ngoài để có thể đáp ứng được giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, cần phải có những biện pháp để có thể kích thích sự tăng trưởng của một số doanh nghiệp có tiềm năng, một số ngành nghề kinh tế có tiềm năng để các doanh nghiệp này phục hồi và tạo ra năng lực cạnh tranh riêng của Việt Nam.

“Chúng ta sẽ không thể tiếp tục những biện pháp như trước đây là hỗ trợ, cứu trợ cho doanh nghiệp bởi bối cảnh năm nay đã khác, chúng ta sẽ có những biện pháp để kích thích doanh nghiệp. Một là những doanh nghiệp có khả năng phát triển mạnh hơn để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất lao động cũng như giá trị thặng dư, giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất. Những biện pháp phát triển kinh tế này sẽ ở mức độ khác hơn  - phải tập trung vào nhóm doanh nghiệp có mục tiêu, những ngành nghề có khả năng tăng trưởng cao hơn, có khả năng đóng góp cho tăng năng suất lao động cũng như năng suất chung của ngành kinh tế. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta có sự phát triển bền vững hơn trong những năm tới”, ông Bình nêu quan điểm.

Ngoài ra, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, với những dấu hiệu tích cực, chúng ta có thể lạc quan nhưng không được chủ quan. Bởi dù có rất nhiều dự báo tích cực hơn về tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, song cùng với các dự báo lạc quan đó, bao giờ cũng có điều kiện kèm theo là dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn.

Trước diễn biến khó lường từ dịch bệnh và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Để kinh tế tư nhân tăng tốc(VietQ.vn) - Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng, ngay tuần đầu sau Tết Tân Sửu, Thường trực Chính phủ đã họp thảo luận Đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng tạo các điều kiện cho kinh tế tư nhân tăng tốc, bay xa.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang