Giải pháp thu hút và giữ chân nhà đầu tư nước ngoài giữa bối cảnh dịch bệnh

author 19:16 26/09/2021

(VietQ.vn) - Trong hoàn cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay, việc giữ chân nhà đầu tư phụ thuộc vào hành động của Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thiết lập môi trường đầu tư an toàn.

Mới đây, trong kiến nghị gửi Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có đề cập đến hiện tượng một số thành viên đã dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam vì lo ngại khó hoàn thành kế hoạch sản xuất trước bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), hiện tượng này không đáng lo vì Việt Nam không phải ốc đảo, nhà đầu tư có hệ thống trên toàn cầu nên nhà máy nơi này không làm được thì họ chuyển sản xuất sang khu vực khác thuận lợi hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). 

"Trước đây, Việt Nam cũng đã chịu tác động từ hiện tượng dịch chuyển đơn hàng nhưng ở góc độ quốc gia được hưởng lợi vì chúng ta có điều kiện thuận lợi do ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại quốc tế và có lợi thế về xuất xứ hàng hóa nên rất nhiều đơn hàng chuyển về Việt Nam sản xuất", Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại nói.

Bên cạnh đó, theo GS, TSKH Nguyễn Mại, việc các doanh nghiệp FDI có ý định rời khỏi Việt Nam hay cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh cũng mới chỉ là cảnh báo và trong thực tế chưa xảy ra. Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến toàn cầu, tình hình tại Việt Nam nhìn chung vẫn đỡ khó khăn hơn nhiều quốc gia khác nên các nhà đầu tư rời đi cũng phải tính toán, cân nhắc.

 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, thu hút FDI vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ.
 

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Andrew Jeffries cũng khẳng định: Trong thực tế đã có một số đơn đặt hàng chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, nhưng không phải là doanh nghiệp rời đi. Các doanh nghiệp FDI đã chọn Việt Nam để đầu tư lâu dài và các khoản đầu tư cần thời gian mới phát huy được tác dụng trong khi dịch chỉ mới bùng phát vài tháng gần đây. Cho nên, sẽ là hơi sớm để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, GS, TSKH Nguyễn Mại cũng cho biết, nếu phải dừng sản xuất quá lâu, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển vốn sang khu vực khác. Vì vậy cần đánh giá tình hình một cách khách quan và sớm đưa ra những biện pháp hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp FDI để họ yên tâm.

Đồng thời, theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam vẫn là nơi được các nhà đầu tư có nhiều tiềm năng phát triển và được đánh giá cao, nhưng trong hoàn cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay, việc giữ chân nhà đầu tư phụ thuộc vào hành động của Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thiết lập môi trường đầu tư an toàn.

Gần đây nhất, tại báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định: Nhiều chỉ số vĩ mô của kinh tế Việt Nam trong hơn tám tháng qua vẫn giữ được ổn định, trong đó, dòng vốn FDI vẫn được duy trì cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Mai Phương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang