Bất chấp Covid-19, doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục trụ vững tại Việt Nam

author 13:39 13/09/2021

(VietQ.vn) - Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, những doanh nghiệp FDI lớn vẫn hoạt động và tiếp tục tăng trưởng, có mong muốn tiếp tục làm ăn lâu dài với Việt Nam.

Những tín hiệu lạc quan

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2021, Việt Nam thu hút được 19,12 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn FDI giải ngân trong 8 tháng qua đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Các lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ...

Singapore đang dẫn đầu lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam với trên 6,2 tỷ USD (chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam). Ở vị trí thứ hai là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc. Trong đó, Hàn Quốc đang là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới cũng như số lượt dự án điều chỉnh vốn.

Với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Điển hình trong các doanh nghiệp nước ngoài phải kể đến Samsung. Hiện, Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên. Tại đây, Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - ông Choi Joo Ho cho biết, hiện tại Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam, với 6 nhà máy và 110.000 cán bộ, nhân viên; kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 56 tỷ USD năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thăm nhà máy sản xuất

Ông Choi Joo Ho cho biết, từ tháng 1 tới tháng 7, Samsung vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Nếu nhà máy tại TPHCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới thì Samsung có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay. Dự kiến trong năm 2022, Samsung sẽ khánh thành  trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội.

Các nhà đầu tư lớn khác như Honda, Toyota, Piaggio cũng có mức tăng trưởng mạnh. Các doanh nghiệp trên tập trung ở Vĩnh Phúc với các nhà máy, dây chuyền sản xuất lớn. Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ bản các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc đều tăng trưởng, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng tới 200%".

Các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất… Trong tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những buổi gặp gỡ, đối thoại với đại diện doanh nghiệp EU và Mỹ. Thủ tướng khẳng định quan điểm nhất quán: “Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.” Các doanh nghiệp cũng có mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững với Việt Nam trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp EU ngày 9/9 vừa qua. Ảnh: Đoàn Bắc 

Tiếp tục phấn đấu là môi trường đầu tư thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Trong tình cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dòng vốn FDI vào Việt Nam có kết quả khả quan, tuy nhiên số lượng dự án FDI cấp mới và điều chỉnh góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam có xu hướng giảm. Theo ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những khó khăn về sức mua giảm, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu lao động,… là những lý do làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc sụt giảm về thu hút FDI trong một thời gian ngắn chưa nói lên điều gì về xu hướng, nên cũng không thể dựa vào đó để khẳng định FDI vào Việt Nam sẽ giảm.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể đang có xu hướng chậm lại do Covid-19. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chứng tỏ được sự vững vàng, cho thấy niềm tin lớn của doanh nghiệp nước ngoài vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam.

Tờ báo kinh tế hàng đầu Australia - The Australian Financial Review (AFR) - đánh giá, dù Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam nhưng không ngăn được dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào quốc gia này. Theo AFR, với các điều kiện chính trị ổn định, chi phí lao động thấp, chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện,… đã giúp Việt Nam trở thành môi trường thu hút các công ty lớn trên thế giới như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas,…

Theo ông Trần Toàn Thắng, trước mắt, Việt Nam đang có một số mặt tích cực giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, yếu tố quyết định việc giữ chân doanh nghiệp FDI chính là câu chuyện liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, cũng như mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước. Nếu Việt Nam xây dựng tốt mối ràng buộc giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp FDI thì cơ hội thu hút và giữ chân doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Phương Dung (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang