Giới trẻ cần có nhiều thông tin hơn nữa về KH&CN

author 13:17 23/04/2014

(VietQ.vn) - Để có thể thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản và tham gia nghiên cứu sáng tạo, trước hết chúng ta cần truyền thông nhiều hơn các thông tin về các hoạt động khoa học đến công chúng…

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đây là khẳng định của PGS- TS. Phạm Thành Huy- Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội với báo giới về những thuận lợi khó khăn của nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện nay.

PGS- TS. Phạm Thành Huy- Viện trưởng Viện Tiên tiến KH&CN

Từ thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, PGS-TS. có thể cho biết những đề xuất của mình để có thể thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản, tham gia nghiên cứu sáng tạo?

Để có thể thu hút giới trẻ tham gia học các ngành khoa học cơ bản và tham gia nghiên cứu sáng tạo, trước hết chúng ta cần truyền thông nhiều hơn các thông tin về các hoạt động khoa học đến công chúng, nhất là các bạn trẻ giúp các em nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của KH&CN, nhất là các ngành khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước.

Chúng ta cũng cần tập trung quan tâm đến thế hệ trẻ ngay từ những năm cuối bậc phổ thông, lấy nâng cao chất lượng đầu ra, phát triển phẩm chất năng lực của học sinh làm quan điểm chủ đạo cho phát triển, cho đổi mới giáo dục. Quá trình học tập không nên chỉ tập trung vào trang bị kiến thức mà còn cần giúp các em phát huy được năng lực tư duy, khả năng tự học, kỹ năng tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề, tự nghiên cứu, đây chính là những kỹ năng và yếu tố cần thiết thúc đẩy các em đến gần với hoạt đông nghiên cứu khoa học một cách tự nhiên, cũng như chủ động hơn trong nghiên cứu sáng tạo sau này.

Trong môi trường đại học, vai trò của người thầy trong việc định hướng nghiên cứu cho các em sinh viên là hết sức quan trọng, nếu như các thầy/cô giáo có thể thổi hồn, thổi sức đam mê của tri thức và khoa học vào mỗi bài giảng, thì chắc chắn sẽ chúng ta sẽ thu hút được các em đến với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu sáng tạo. Chính vì vậy, việc gắn kết giảng dạy và nghiên cứu khoa học cần được chọn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm trong các trường đại học.

KH&CN được xác định là động lực then chốt phát triển KT - XH. Làm thế nào thu hút nhiều hơn giới khoa học tích cực đóng góp vào các vấn đề hệ trọng của đất nước?

Bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học chính là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, cung cấp tạo động lực cho nền kinh tế, hỗ trợ an ninh, quốc phòng. Mặc dù trong suốt những thời kỳ phát triển vừa qua, Đảng và Nhà nước đã luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, nhưng chúng ta còn thiếu những chính sách và hành động cụ thể để đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt phát triển KT - XH.

Do đó, để các nhà khoa học có đóng góp tích cực hơn vào các vấn đề hệ trọng của đất nước, chúng ta cần có những chính sách và quy định cụ thể để các hoạt động nghiên cứu, đánh giá và bản thân các nhà khoa có thể tham gia, có ý kiến trước và trong quá trình thực hiện các dự án KT - XH trọng điểm của đất nước. Hơn nữa, Nhà nước cũng cần chủ động mời các nhà khoa học tham gia ngay từ khâu chuẩn bị cho các dự án hoặc trong các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Có một khoảng cách giữa đề tài nghiên cứu và giá trị áp dụng phục vụ cuộc sống. Thưa ông, đây có phải là vấn đề KH&CN Việt Nam cần thu hẹp?

Không chỉ là vấn đề đối với Việt Nam, việc rút ngắn khoảng cách hay nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có thể áp dụng trong thực tế luôn là một vấn đề được đặt ra của cả cộng đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên thế giới.

Đối với đất nước chúng ta, khoảng cách giữa nghiên cứu và áp dụng còn khá lớn. Việc rút ngắn khoảng cách này không chỉ cần trí tuệ và sức lao động của các nhà nghiên cứu, đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Nhà nước mà còn cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và cả các tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ và sản phẩm công nghệ nữa.

Giới trẻ cần hiểu được tầm quan trọng của KH&CN, nhất là các ngành khoa học cơ bản đối với sự phát triển của đất nước.

Để hạn chế tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học của Việt Nam chủ yếu “cất ngăn kéo”, chính sách đột phá là gì?

Một đề tài được đánh giá thành công hay thất bại dựa trên cơ sở đánh giá kết quả nhận được so với mục tiêu đặt ra ban đầu. Để nâng cao tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có thể đưa vào ứng dụng, theo tôi chúng ta cần phải có chính sách và làm đồng thời được bốn việc: thứ nhất, vấn đề tập trung tài chính cho hoạt động “Nghiên cứu phát triển (R&D)” (mặc dù mỗi năm nhà nước dành 2% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ, nhưng thực tế chỉ 10% của số kinh phí này được dùng cho R&D).

Thứ hai, cần đổi mới chính sách cấp và quản lý tài chính của các đề tài nghiên cứu theo hướng khoán chi và thông qua các Quỹ Khoa học và công nghệ; Thứ ba, cần nâng cao tính mục tiêu của các đề tài nghiên cứu và sự tham gia đặt hàng/cùng đầu tư của doanh nghiệp; cuối cùng là định hướng phát triển KH&CN của đất nước, cam kết đầu tư tập trung và dài hạn của chính phủ cho các chương trình, dự án nghiên cứu trọng điểm.

Luật KH&CN năm 2013 đã có nhiều đổi mới đột phá với những chính sách thay đổi về cơ chế đầu tư tài chính cũng như ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học trẻ. Theo ông, các chính sách này đã thực sự đáp ứng mong mỏi của các nhà khoa học nước ta hay chưa?

Đúng vậy, Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 đã có những thay đổi mang tính đột phá đi từ đổi mới về phương thức đầu tư, cơ chế cấp tài chính cho các đề tài, dự án, đến chính sách trọng dụng nhân lực. Đây chính là những vấn đề cốt lõi mà chúng tôi (với cả vai trò là người làm nghiên cứu, lẫn quản lý khoa học) đang mong mỏi.

Đã bước sang năm 2014, Luật KH&CN 2013 đã chính thức có hiệu lực, chính vì vậy chúng tôi đang mong chờ những bước tiếp theo trong việc hiện thực hoá những các nội dung của Luật, nhất là những văn bản, thông tư hướng dẫn việc thi hành Luật.

Hiện nay các bạn trẻ nhất là các bạn sinh viên rất hào hứng với việc nghiên cứu khoa học. Viện sẽ có những hỗ trợ, những chương trình hoặc sự tiếp sức như thế nào để thu hút các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học?

Việc thu hút các sinh viên và các cán bộ nghiên cứu trẻ tham gia nghiên cứu khoa học luôn được xem là vấn đề quan trọng nhất đối với Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) chúng tôi. Tất cả các ý tưởng khoa học của các em đều có thể được giới thiệu cùng trao đổi và sẽ được tài trợ thực hiện nếu khả thi.

Viện chúng tôi được tổ chức thành nhiều nhóm nghiên cứu khác nhau và mối nhóm đều có thông tin về những lĩnh vực nghiên cứu, những đề tài nghiên cứu muốn mời các cán bộ trẻ và các em sinh viên cùng tham gia.

Để tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội được học tập ở trình độ cao, Viện chúng tôi đang thúc đẩy chương trình đào tạo thạc sỹ về KHCN nano, trong đó nhiều nguồn lực khác nhau đã được huy động, ví dụ kinh phí đóng góp từ chính các thầy, từ công nghiệp, từ các đề tài nghiên cứu để hỗ trợ học bổng và cung cấp 100% kinh phí nghiên cứu cho các em tham gia học chương trình này. Ngoài ra, các nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Viện cũng được trả lương để có thể yên tâm làm công tác nghiên cứu.

Xin cảm ơn ông!

Duy Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang