"Góc tối" mạng xã hội

author 08:10 06/12/2012

(VietQ.vn) - Thực tế cho thấy, có rất ít doanh nghiệp, cá nhân biết tận dụng công cụ mạng xã hội để quảng bá thương hiệu cho mình. Trong khi đó có một bộ phận lớn lại lãng phí thời gian sử dụng mạng xã hội cho việc giải trí, chat và thành lập những nhóm, hội 'vô bổ'.

Giới trẻ “sa lầy” 

Thời gian vừa qua, làn sóng mạng xã hội xuất hiện và bùng nổ khiến cho thói quen sử dụng internet của người dân, đặc biệt là giời trẻ thay đổi. Tốc độ gia tăng thành viên của các mạng xã hội ngày càng dữ dội, thời gian họ dành cho những tiện ích trên những trang mạng này mỗi ngày nhiều hơn và họ hầu như không kiểm soát được. 
 
Không thể phủ nhận vai trò “người bạn ảo” chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống của các trang mạng xã hội thịnh hành với giới trẻ Việt hiện nay như Facebook, Yume, Zing, Yobanbe… Người trẻ đến với mạng xã hội xuất phát từ lối sống nhanh, khi không gian chia sẻ đời thực bị thu hẹp.
Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội đang chứa đựng nhiều ẩn họa khôn lường nếu chúng ta không kiểm soát
Sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội đang chứa đựng nhiều ẩn họa khôn lường nếu chúng ta không  có chế tài kiểm soát
 
Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống hiện đại, nhu cầu chăm chút cho hình ảnh bản thân ngày càng tăng. Những tiện ích không thể chối cãi của mạng xã hội như dễ dàng kết bạn, tìm kiếm, quản lý nhóm, xây dựng mối quan hệ, sự tin tưởng từ cộng đồng là “mật ngọt” dẫn dụ người trẻ dễ sa vào cơn nghiện khó dứt. 
 
Mạng xã hội giống như một quyển nhật kí điện tử ghi lại những ý nghĩa, cảm xúc bản thân nhưng nó lại có dạng “mở”. Mọi người có thể cùng đọc để chia sẻ, góp ý.
 
"Một trong những nguyên nhân khiến các em học sinh ở các cấp (chủ yếu cấp 2 và 3) không chú tâm việc học là do nhiều gia đình, phụ huynh không quan tâm, chăm sóc các em để các em sa đà vào các trang mạng xã hội. Từ đó, các em xem mạng xã hội như một 'người bạn' không thể thiếu mà chưa biết được 'người bạn' này là tốt hay xấu. Điều đó phụ thuộc vào sự hướng dẫn, quan tâm của các bậc làm cha, làm mẹ. Mạng xã hội bên cạnh những mảng tối của nó cũng có nhiều mặt tích cực', Hiệu trưởng 1 trường THPT trên địa bàn Hà Nội chia sẻ.
 
Để “làm mới” cuốn nhật kí này, người sử dụng phải liên tục cập nhật thông tin, chăm chỉ đăng lên những hình ảnh đẹp... Đối với những con “nghiện” mạng xã hội, mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên phải làm là check trang cá nhân của mình. Trả lời những “comment” (lời bình luận) rồi viết một vài cảm xúc lên đó mới có thể an tâm ra ngoài làm việc khác. 
 
Nhiều nhân viên văn phòng khác cũng có thói quen thường xuyên vào các website mạng xã hội tại nơi làm việc. Do đó, một số công ty đã thực hiện việc chặn truy cập vào các website mạng xã hội vì lo ngại nhân viên của mình đang dành nhiều thời gian online vô tội vạ hơn là chú tâm vào công việc của họ. 
 
Khảo sát của PV cho thấy, hiện các bạn trẻ ở độ tuổi 18 -28 đều sử dụng các công cụ của mạng xã hội trong đó tập trung ở các Thành phố lớn. Hiện ở các địa bàn vùng nông thôn, thị trấn các vùng miền, giới học sinh, sinh viên cũng đang sử dụng thành thạo các tính năng của mạng xã hội. Tuy nhiên không phải ai cũng sử dụng nó vào mục đích công việc.
 
Thậm chí, nhiều trường hợp các bạn trẻ sa đà một cách quá trớn khi sáng trưa chiều tối đều vào các mạng xã hội chỉ với mục đích duy nhất là... giết thời gian. 
 
Bùng nổ căn bệnh “vô cảm” 
 
Đọc những trang nhật kí của giới trẻ trên các mạng xã hội hay việc thành lập ra các hội nhóm làm thành viên, bình luận những sự kiện diễn ra trong đời sống … càng chứng tỏ nhiều lỗ hổng trong nhận thức và suy nghĩ. Chỉ cần truy cập vào mạng xã hội facebook, chúng ta có thể bắt gặp ngay những nhóm hội mà nghe cái tên cũng đủ “choáng” : Hội những người ngu mà tỏ ra nguy hiểm, Hội những thằng thích hút thuốc lào, Hội những người thích cướp LX để đi chơi với người yêu, Hội vãi Luyện… 
 
Một ví dụ điển hình là vụ án hình sự về Lê Văn Luyện, thủ phạm nhẫn tâm giết cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang để chiếm một số lượng lớn vàng, gây nên một làn sóng căm phẫn của tất cả mọi người dân. Điều đáng nói là ngay sau khi vụ án được sáng tỏ, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những sản phẩm nhảm nhí ăn theo nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng mạng. Nhiều hội, nhóm còn mở riêng một topic cho những người... thích Luyện. 
 
Sự việc nói trên chính là sự ngộ độc của giới trẻ trước câu chuyện về Luyện. Đây cũng là lời cảnh báo về sự vô cảm đang ăn mòn tâm hồn một số bạn trẻ. Có lẽ vì mỗi ngày các bạn trẻ này nghe, nhìn quá nhiều những vụ hành hung, đâm chém vì những lý do không đâu khiến họ trở nên bàng quan trước tội ác, nỗi đau của đồng loại, thậm chí đem cả vụ án giết người dã man ra cười cợt, vui đùa... 
 
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu phát triển Tp Hồ Chí Minh,  trong thời gian gần đây, hàng loạt sự kiện diễn ra xung quanh giới trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường khiến dư luận hết sức quan tâm, từ chuyện đánh nhau trong trường, ngoài đường phố, đến chuyện học sinh phổ thông hôn nhau trong lớp, chơi đánh bài hay nữ sinh cởi áo giữa lớp học…và liên tiếp những lời cảnh báo được phát ra trước thực trạng đạo đức học sinh ngày càng xuống cấp. 
 
Điều này cho thấy, giới trẻ (bao gồm cả sinh viên và học sinh) ít nhiều đang bị “môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp” và vai trò của truyền thông mạng (mạng xã hội) đã và đang tác động nhiều đến lối sống của giới trẻ. Bởi vì, chính từ mạng xã hội, nhiều học sinh, sinh viên đã nhanh chóng chuyển tải những thông tin cho hàng ngàn, hàng triệu người xem qua việc quay phim, chụp ảnh những hành vi xấu bằng điện thoại di động để đưa lên. 
 
Là lứa tuổi dễ bị kích động, dễ bắt chước, không ít những bạn trẻ tự làm hại mình khi sử dụng không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ. Hơn nữa, nếu phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, thay vì đến với nhau ngoài đời thực để thăm hỏi, nói chuyện với nhau thì giới trẻ chỉ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để nói chuyện, trao đổi, “vui chơi” trên mạng xã hội… Dần dần họ sẽ mất các kĩ năng sống, kĩ năng xử lí tính huống. (Còn nữa)
 
Theo các chuyên gia tâm lí học, mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian giao tiếp công cộng của giới trẻ. Giao tiếp của sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung đang chuyển từ truyền thông liên cá nhân sang truyền thông đại chúng. Thế nên mạng xã hội là tác nhân gây ra tình trạng giảm giao tiếp trong không gian thực. Biểu hiện là giới trẻ giảm giao tiếp mặt đối mặt, giảm tần suất đến và dần cách ly không gian thực”.
 
Nhiều giảng viên tâm lí học cho rằng, nghiện mạng xã hội thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng mạng thành thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần. Công nghệ thông tin ở các thành phố lớn phát triển, việc vào mạng một cách dễ dàng như hiện nay là “chất xúc tác” cho sinh viên - những người nắm công nghệ thông tin, dễ vướng vào tình trạng nghiện”.
 
 
Phong Vũ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang