Mạng xã hội: Được và mất

author 07:00 05/12/2012

(VietQ.vn) - Thị trường phát triển mạng xã hội Việt được coi là đầy tiềm năng và nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng xuất hiện những mảng “tối” gây ảnh hưởng lớn đến tâm lí của bộ phận giới trẻ.

Kì 1: "Mỏ vàng" chưa được khai thác

Với số lượng người dùng đông đảo, tính tương tác cao, mạng xã hội không chỉ có khả năng kết nối mà còn là môi trường lý tưởng cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị... Quảng cáo trên mạng xã hội đang trở thành một xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn tỏ ra thờ ơ với kênh quảng cáo này. 
 
Thị trường tiềm năng 
 
Mạng xã hội hay gọi là mạng xã hội ảo là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Hiện nay, nó đã trở thành một kênh thông tin, quảng cáo thu hút hàng trăm triệu các thành viên, người sử dụng internet tham gia trên khắp thế giới. 
 
Ở Việt Nam, đến năm 2009, mô hình mạng xã hội có tính tương tác cao, cập nhật thông tin theo thời gian thực và mở rộng đối tượng tham gia ra đời với đại diện tiêu biểu là Zing Me do Công ty cổ phần Truyền thông VNG phát triển.
Mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ
Mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ
 
Đến giữa năm 2010, mạng xã hội Go.vn của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cũng xuất hiện. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này từ lâu, cùng những bản sắc riêng, mỗi mạng xã hội đều thành công trong việc xây dựng cộng đồng của riêng mình. 
 
Nhắm vào tính năng phục vụ nhu cầu giải trí mọi lúc mọi nơi của thành viên, mạng xã hội Zing đầu tư rất nhiều vào tính năng nghe nhạc online, xem phim trực tuyển và cổng thông tin phong phú. Bên cạnh đó, Zing còn mở rộng các các dịch vụ giải trí trên các thiết bị di động công nghệ cao và gặt hái không ít thành công. 
 
Với kho bài giảng đồ sộ trong tất cả các môn học phổ thông, Go lại là địa điểm ưa thích của các bạn trẻ đam mê học tập và đội ngũ giáo viên muốn làm giàu giáo trình với các lĩnh vực trải rộng từ Y học, Kinh tế, Giáo trình, Văn hóa đến Luận văn, Ngoại ngữ. Tính năng Thi trực tuyến của Go cũng thu hút rất nhiều thành viên với các bài thi phong phú: đề thi Đại học, Cao đẳng, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp Trung học. 
 
Theo số liệu của Công ty comScore Đông Nam Á chuyên nghiên cứu đo lường và đánh giá hiệu quả các giải pháp Marketing trực tuyến, mười trang mạng xã hội thu hút nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam là Zing Me, Facebook, Yahoo! Pulse, Tamtay.vn, banbe.net, KST.vn, Yeulaptop.com, Cyworld, Yo88.com và Twitter.com.
 
Trong 30 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam hiện có 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội. Được nhiều người sử dụng nhất là Zing Me, chiếm 44,6%, tiếp đến là Go.vn chiếm 14,1%.
 
Doanh nghiệp thờ ơ
 
Đa số người sử dụng mạng xã hội là những người trẻ, nằm trong độ tuổi 15-34 (chiếm 71%). Nhận định về sự phát triển của mạng xã hội Việt Nam, ông Joe Nguyễn, Phó chủ tịch ComScore Đông Nam Á, cho rằng mạng xã hội Việt Nam phát triển chậm so với con số người dùng Internet và cũng phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực.
 
Nhìn vào các trang xã hội thu hút nhiều người truy cập nhất, các mạng nước ngoài như Facebook, Twitter… vẫn được nhiều người Việt Nam yêu thích dù chưa chiếm thế độc tôn trên thị trường nội dung Internet nội địa. Điểm đáng chú ý là những mạng xã hội nước ngoài vẫn tiếp tục thu hút người sử dụng địa phương và con số tham gia không ngừng tăng lên.
Facebook đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước
Facebook đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước
 
 Mạng xã hội ngày càng thu hút đông đảo người sử dụng, đa dạng từ giới công nhân viên chức, văn phòng đến giới học sinh, sinh viên, các bà nội trợ.
 
Theo báo cáo khảo sát về mạng xã hội tháng 6/2011 của công ty Vinalink media (thực hiện từ 5000 mẫu điều tra trong 2 tháng theo phương pháp online) thì 54,3% người sử dụng internet của Việt Nam có xem, tra cứu thông tin trên mạng xã hội. 
 
Cũng theo khảo sát của Vinalink media về việc người sử dụng mạng tìm hiểu thông tin trước khi mua hàng hóa/dịch vụ ở đâu, có đến 87% cho biết là họ tìm kiếm trên trang Google, 56,8% vào thẳng trang web của các công ty, 40,6% vào các trang mạng xã hội mua bán như chodientu, vatgia, 5giay, enbac... 
 
Như vậy, thông tin quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ trên các mạng xã hội có thể tiếp thị rất hiệu quả đến người tiêu dùng. Đây là mảnh đất màu mỡ để quảng bá mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng lợi thế để đem lại lợi ích cho mình. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa nghĩ tới việc dùng mạng xã hội để tiếp thị. 
 
Ra đời muộn và thiếu sức hút so với mạng xã hội nước ngoài, các doanh nghiệp Việt đã mất đi thời cơ tốt nhất, nhưng với tốc độ phát triển thuê bao internet đứng đầu khu vực, Việt Nam hiện vẫn là một thị trường lí  tưởng cho việc phát triển mạng xã hội. Quan trọng là các doanh nghiệp Việt cần có hướng đi hợp lí để khai thác thị trường quảng cáo đầy cơ hội này.
 
Một giám đốc marketting ở Hà Nội cho biết, dù nắm rất rõ lợi ích của mạng xã hội nhưng Công ty rất ít khi sử dụng công cụ này để làm chiến dịch quảng bá cho sản phẩm của mình bởi tính chất không đảm bảo an toàn thông tin đó là chưa kể những hiệu ứng không tốt khi cộng đồng mạng lan truyền lẫn nhau. Lúc đó việc kiểm soát sẽ rất khó.
 
"Đây là con dao hai lưỡi nếu sử dụng không cẩn thận sẽ lãnh hậu quả khôn lường vì thế nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm hoặc chưa chắc chắn, thận trọng họ sẽ không chọn mạng xã hội để đạt mục đích của mình", vị giám đốc này chia sẻ. (Còn nữa)
 
Nguyễn Hoàng
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang