GS Ngô Việt Trung giải đáp thắc mắc về Giải thưởng Tạ Quang Bửu

author 06:59 27/05/2015

(VietQ.vn) - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu giải đáp một số thắc mắc...

Dịp Ngày Khoa học và Công nghệ vừa qua, Bộ KH&CN đã trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 4 nhà khoa học.

Đa số các nhà khoa học đều nhất trí và ủng hộ cách đánh giá đó.

Tuy nhiên, còn một số ít ý kiến "tâm tư" về vùng miền cũng như "khu vực" được trao giải.

GS Ngô Việt Trung, Nguyên Viện trưởng viện Toán, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trả lời thẳng thắn những vấn đề trên. Chất lượng Việt Nam xin đăng toàn văn bài trả lời độc quyền này:

GS Ngô Việt Trung giải thích về Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015
GS Ngô Việt Trung giải thích về Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015

 

"Tiêu chí để trao giải thưởng là công trình phải thật sự xuất sắc thể hiện qua các khía cạnh sau: Kết quả công trình có nổi trội so với các kết quả khác trong chuyên ngành không; Tạp chí có là một trong những tạp chí hàng đầu của chuyên ngành không?

Ở đây không có chuyện phân chia giải thưởng theo vùng miền hay chuyên ngành. Vấn đề quan trọng nhất là những công trình được giải thưởng có xứng đáng không. Đây là vấn đề sống còn với uy tín lâu dài của giải thưởng.

Ai đó nghĩ về việc vùng miền thì quá thiển cận. Có ai đòi hỏi phải có giải Nobel cho các nước chậm phát triển không? Hay tại sao người Mỹ lại đoạt nhiều giải Nobel? Sau miền Nam sẽ là vùng núi, v.v. Trong khoa học không có đất cho tư tưởng vùng miền. Đất nước này chỉ có một mà thôi.

Chế độ đãi ngộ không đủ để làm nên một nền khoa học. Sự phát triển khoa học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như truyền thống nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu, không khí học thuật, v.v. Ả rập Xê út có chế độ đãi ngộ rất cao nhưng có ai nghe nói đến nền khoa học Ả rập Xê út không? Theo sách trắng của Bộ KH&CN, thì trong 5 cơ sở có số công bố ISI cao nhất cả nước trong giai đoạn 2010-2014 thì miền Nam chỉ có ĐHQG TPHCM đứng thứ ba với số công trình (670) ít hơn rất nhiều so với Viện Hàn lâm (1774) và ĐHQG Hà Nội (1565).

Đây là thông kê dựa theo cơ sở dữ liệu ISI của Thompson-Reuter (theo thống kê hàng năm của Viện Hàn lầm thì con số công bố của Viện phải trên 2000 chứ không phải 1774). Với con số thống kê này có thể hiểu tại sao miền Nam lại có ít đề tài khoa học được Quỹ Nafosted tài trợ hơn miền Bắc. Trên thực tế, các đề tài ở miền Nam và các địa phương luôn luôn được ưu tiên hơn các đề tài ở Hà Nội khi xét duyệt.

Vì thế, cần phải tìm hiểu thêm tại sao không khí học thuật ở miền Nam không bằng ở miền Bắc. Tổng số kinh phí đầu tư cho các loại đề tài khoa học ở TP HCM có thể còn cao hơn so với Hà Nội. Có người nói rằng, nhiều nhà khoa học ở TP HCM bỏ đăng ký đề tài ở Nafosted để đăng ký đề tài khác vì số tiền không ít hơn mà xét duyệt, nghiệm thu đều dễ.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ dành cho công trình công bố trong khoa học cơ bản. Các ngành Toán và Vật lý lý thuyết dễ có được các công trình xuất sắc vì công trình chỉ phụ thuộc vào một cá nhân, không phụ thuộc vào cơ sở vật chất và tập thể làm thí nghiệm. Đây là một thực tế nan giải khi xét giải thưởng chung. Để công bằng, mỗi Hội đồng chuyên ngành chỉ được đề xuất nhiều nhất 1 ứng viên cho giải thưởng chính và 1 ứng viên cho giải thưởng trẻ vào vòng chung khảo.

Trên thực tế, Hội đồng giải thưởng có kêu gọi ưu tiên các công trình khoa học thực nghiệm khi bỏ phiếu. Có người đề nghị trao giải thưởng riêng cho từng chuyên ngành. Nhưng nhiều chuyên ngành không có những công trình xuất sắc xứng đáng với giải thưởng quốc gia, dẫn đến việc không có giải để trao. Nếu mỗi ngành vì quyền lợi ngành mình cứ trao giải hàng năm sẽ làm mất uy tín chung của giải. Có một giải pháp khả dĩ là trao giải thưởng trẻ cho từng chuyên ngành vì yêu cầu không cần cao lắm. Như vậy giải thưởng sẽ khích lệ các nhà khoa học trẻ thực hiện các công trình có chất lượng cao. Đây chính là mục đích chính của Giải thưởng TQB.

Hai năm qua, số phiếu bầu cho các giải thưởng rất tập trung mặc dù mỗi người có thể bỏ phiếu đồng ý cho bất kỳ công trình nào thấy xứng đáng mà không bị giới hạn về số lượng giải. Những công trình không được trao giải đều không có quá 1/3 số phiều đồng ý.

GS Ngô Việt Trung


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang