Hà Nội: Đất không nằm trong dự án vẫn bị thu hồi, cưỡng chế?

author 09:15 19/03/2016

(VietQ.vn) - Mặc dù đất không nằm trong đối tượng bị thu hồi, nhưng UBND quận Cầu Giấy vẫn ra quyết định, thu hồi, cưỡng chế để giao cho doanh nghiệp?

“Mập mờ” quyết định cưỡng chế?

Ông Nguyễn Chí Phương (số nhà 112 ngõ 28, đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh đến Chất lượng Việt Nam, mặc dù đất nhà ông không nằm trong đối tượng bị thu hồi, nhưng UBND quận Cầu Giấy vẫn ra quyết định, thu hồi, cưỡng chế để giao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi mọi việc chưa được rõ ràng nhưng Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam đã ngang nhiên quây tôn mảnh đất trên từ nhiều tháng nay là không đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo nội dung Quyết định cưỡng chế số 51/QĐ-UBND của UBND quận Cầu Giấy do ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký, mảnh đất của ông Phương và các đồng thừa kế của ông Phẩm là ông Nguyễn Chí Hướng, bà Nguyễn Thị Loan, bà Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Ngọc Sung nằm trong chỉ giới thu hồi theo Quyết định 960/QĐ-UBND ngày 04/4/2014 và Quyết định 4108/QĐ-UBND ngày 13/11/2015 của UBND quận Cầu Giấy.

Bởi vậy, UBND quận tiến hành cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Tòa nhà Trung tâm thương mại dịch vụ tại ô đất D28 Khu đô thị mới Cầu Giấy, thời gian từ 15/1/2016 đến 31/3/2016.

Khu đất bị cưỡng chế của gia đình ông Phương giao cho doanh nghiệpKhu đất bị cưỡng chế của gia đình ông Phương giao cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Phương, mảnh đất đang bị nhà nước ra quyết định thu hồi (245m2) không nằm trong đối tượng bị thu hồi để thực hiện Dự án xây dựng Tòa nhà Trung tâm thương mại dịch vụ của Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam.

Với lý do, đất nông nghiệp của gia đình đang sử dụng là của ông cha để lại rộng gần 3.000m2, khi nhà nước mở đường Trần Thái Tông đã thu hồi 2.000m2 vào lòng đường. Phần diện tích đang bị thu hồi (245m2) là 1 trong 2 mảnh còn lại sau khi làm đường, không phải đất được giao theo nghị định 64 cũng không phải đất của hợp tác xã vì gia đình ông không phải là xã viên. Hợp tác xã không quản lý mảnh đất của gia đình ông (có xác nhận của của HTX tháng 3/2009).

Ông Phương cho rằng mảnh đất của gia đình mình không thuộc diện bị thu hồiÔng Phương cho rằng mảnh đất của gia đình mình không thuộc diện bị thu hồi

“Từ những căn cứ trên, chiếu theo nội dung tại Mục I/ Tổng hợp số liệu hiện trạng của văn bản 599/UBND-TCKH ngày 28/8/2009 UBND quận Cầu Giấy gửi UBND TP. Hà Nội và Sở TN&MT Hà Nội về việc “Chấp thuận phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ GPMB để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Trung tâm thương mại dịch vụ tại ô đất D28 – Khu đô thị mới Cầu Giấy”, ghi rõ: “Khu đất hiện trạng là đất nông nghiệp do HTX dịch vụ nông nghiệp và KDTH Dịch Vọng quản lý, giao cho các hộ xã viên canh tác ổn định với tổng diện tích 15.819m2.” thì đất của gia đình ông không thuộc diện thu hồi”, ông Phương khẳng định.

Cần làm rõ việc doanh nghiệp quây đất của người dân

Cũng theo ông Phương, khi sự việc còn chưa ngã mũ thì Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam lại ngang nhiên quây tôn chiếm đoạt mảnh đất của gia đình từ nhiều tháng nay, khiến gia đình có đất mà không được sử dụng gây thiệt hại lớn về tài chính cho gia đình…

Mảnh đất nhà ông Phương bị doanh nghiệp quây tônMảnh đất nhà ông Phương bị doanh nghiệp quây tôn

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại ô đất D28- Khu đô thị mới Cầu Giấy do Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, được UBND quận Cầu Giấy chấp thuận và làm thủ tục đền bù GPMB từ năm 2009.

Tổng số hộ bị mất đất có 33 hộ dân là xã viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp và KDTH Dịch Vọng, với tổng diện tích 15.819 m2, trong đó đất nông nghiệp là 15.300, còn lại là đất mương do HTX quản lý.

Theo các văn bản của cơ quan chức năng quận Cầu Giấy thì phần đất 245m2 của gia đình ông Nguyễn Chí Phương cùng các đồng thừa kế của ông Nguyễn Văn Phẩm thuộc đối tượng thu hồi phục vụ dự án. Tuy nhiên, những hộ dân này đã đưa ra những lập luận chứng minh nguồn gốc đất không liên quan đến việc GPMB dự án, đồng thời cương quyết phản đối phán quyết của quận Cầu Giấy.

Sự “giằng co” qua lại giữa cơ quan chức năng và các hộ dân khiến vụ việc rơi vào tình huống khiếu kiện kéo dài, chưa có hồi kết.

Văn bản UBND TP. Hà Nội yêu cầu quận Cầu Giấy làm rõ sự việcVăn bản UBND TP. Hà Nội yêu cầu quận Cầu Giấy làm rõ sự việc

Được biết, mới đây các hộ dân cũng đã gửi đơn lên UBND TP. Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết, đồng thời nộp đơn ra Tòa khởi kiện Quyết định hành chính 960/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, ngày 4/4/2014 và QĐ 51, cưỡng chế thu hồi đất, ngày 8/1/2016 của UBND quận Cầu Giấy.

Ngày 7/3/2016, Ban tiếp công dân của UBND TP. Hà Nội đã có phiếu chuyển đơn đến UBND quận Cầu Giấy xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật về việc khiếu nại thu hồi đất của UBND quận Cầu Giấy không đúng quy định pháp luật. Đề nghị dừng việc thu hồi cưỡng chế và điều tra lại toàn bộ quy trình thủ tục thu hồi đất của người dân.

Ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết, hiện các hộ gia đình đang khiếu kiện, UBND quận đã giao Thanh tra giải quyết theo quy định pháp luật.

Về việc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam cho người quây tôn diện tích đất nhà ông Nguyễn Chí Phương, ông Hà cho biết đã chỉ đạo UBND phường Dịch Vọng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tháo dỡ toàn bộ tôn quây, trả lại nguyên trạng đất ban đầu.

Hải Sơn


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang