Hà Nội phát triển bền vững vùng lúa chất lượng cao

author 16:35 25/09/2015

(VietQ.vn) - Sau 5 năm triển khai Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng lúa tập trung cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, “Chương trình đã góp phần phát triển các vùng sản xuất lúa ổn định và hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung. Trong đó, để thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1305/QĐ-UBND về phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.

lúa chất lượng cao

Các đại biểu thăm quan mô hình sản xuất lúa hàng hóa tại xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức

Để triển khai thực hiện, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị hợp tác 4 nhà gồm: các nhà Khoa học, Quản lý, Doanh nghiệp, Nông dân xin ý kiến đóng góp, chỉ đạo của các nhà quản lý, nhà khoa học thống nhất với doanh nghiệp và các HTX tham gia sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với các nội dung: cơ cấu giống, thời vụ sản xuất, lựa chọn giống lúa, các giải pháp kỹ thuật…để giúp các hợp tác xã, nông dân yên tâm sản xuất.

Cùng với việc chọn, cử cán bộ kỹ thuật, Sở tiến hành các thực nghiệm kỹ thuật để lựa chọn giống lúa, xác định mật độ cấy, liều lượng phân bón và kỹ thuật áp dụng cho sản xuất lúa chất lượng cao. Theo đó, trong 5 năm, đã tổ chức 370 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho 174.734 lượt người trực tiếp tham gia của 14 huyện ngoại thành Hà Nội đạt 330% so với kế hoạch Chương trình.

Bằng thực tế kinh nghiệm triển khai và những kết quả thực nghiệm giai đoạn I năm 2011 - 2012 đã đúc kết, là cơ sở giúp cán bộ kỹ thuật khi tham gia chỉ đạo sản xuất tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tại các địa phương lựa chọn giống lúa, giảm mật độ cấy, lượng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ theo nguyên tắc 4 đúng. Qua đó giảm chi phí sản xuất, chất lượng lúa, gạo từng bước được cải thiện góp phần nâng cao giá trị trên 1 đơn vị canh tác.

Việc triển khai Chương trình đã góp phần thay đổi hình thức sản xuất theo mô hình kinh tế hộ cá thể sang sản xuất theo cộng đồng, có tổ chức, theo quy hoạch, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa. Trong quá trình triển khai chương trình đã hình thành các mối liên kết giữa các hộ dân với nhau cùng sản xuất trên một thửa ruộng có quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến kiểm soát sâu, bệnh phát sinh gây hại. Bên cạnh đó, liên kết hợp tác đã hình thành và phát triển thành vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, như huyện Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai lựa chọn giống lúa Bắc thơm số 7, huyện Phúc Thọ lựa chọn giống lúa Hương thơm số 1.

Nguyên Đoàn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang