Hà Nội 'thúc' tiến độ quản lý chặt chẽ cửa hàng kinh doanh trái cây

authorUyên Triệu 09:53 29/11/2017

(VietQ.vn) - UBND TP Hà Nội vừa công văn đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố.

Hà Nội đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đề án quản lý cửa hàng trái cây

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5978/UBND-KT đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành. Theo đó, Sở Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, phối hợp với UBND các quận triển khai thí điểm trong tháng 12/2017 mỗi quận một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây theo đúng quy định, sau đó nhân rộng trên toàn địa bàn quận.

Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố và đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối giao thương để bảo đảm nguồn cung về trái cây chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm soát chặt chẽ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối; đồng thời, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố thực hiện cung cấp thông tin và kết nối các cơ sở sản xuất, trồng trái cây của các tỉnh, thành phố cả nước với các cửa hàng kinh doanh trái cây đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện ATTP sẽ được gắn biển nhận diện. Ảnh: Cổng TTĐT Hà Nội 

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức đến toàn thể nhân dân và các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành nắm rõ chủ trương, nội dung của Đề án; tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đến người trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và kinh doanh trái cây.

UBND các quận tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây; thường xuyên cập nhật danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận theo mẫu biểu và hướng dẫn của Sở Công Thương.

Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc bố trí cán bộ hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ tối đa cho các hộ trong công tác cấp đăng ký kinh doanh, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện cấp biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng đủ các điều kiện; công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP được cấp biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định.

Chủ động xây dựng phương án và triển khai thí điểm một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây theo đúng quy định. Chỉ đạo các lực lượng chức năng của quận kiểm tra, xử lý nghiêm, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng để kinh doanh trái cây không đảm bảo quy định...

Truy nguồn gốc trái cây để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, việc truy xuất nguồn gốc trái cây rất quan trọng để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

“Nếu mua trái cây ở hộ kinh doanh tại chợ đầu mối, doanh nghiệp thì phải có hóa đơn, cam kết nguồn gốc xuất xứ. Nếu mua trái cây của người trực tiếp sản xuất thì mỗi lô trái cây mua về phải được mở sổ theo dõi, lập dữ liệu thông tin về địa chỉ cung cấp, chứng minh thư của người cung cấp, thời gian, địa điểm mua bán, tên, chủng loại trái cây...”, ông Thăng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thăng, để giúp người tiêu dùng nhận biết các cửa hàng kinh doanh trái cây tham gia Đề án, xây dựng uy tín, niềm tin trong nhân dân về chất lượng các sản phẩm trái cây được bán tại các cửa hàng tham gia Đề án, sau khi rà soát các cửa hàng đủ điều kiện, UBND các quận nội thành tổ chức cấp giấy chứng nhận về việc cấp biển nhận diện (logo) đối với cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng điều kiện ATTP theo Đề án.

Các cửa hàng kinh doanh trái cây đều phải các các trang thiết bị bảo quản theo quy định của Đề án. Sau khi rà soát thống kê các cửa hàng, UBND các quận thông báo cho các cửa hàng phải mua sắm các trang thiết bị theo quy định; khuyến khích các cửa hàng mua trang thiết bị cửa các hãng phù hợp với quy mô, kích thước, yêu cầu chất lượng, giá cả,...

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây có ý nghĩa lớn đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng . Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô 

Nhằm thực hiện tốt Đề án, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng cần đẩy mạnh triển khai thực hiện việc khảo sát, nắm thực trạng các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Đồng thời, phân loại được các cửa hàng kinh doanh trái cây thành các đối tượng như cơ sở kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh do Thành phố hoặc quận, huyện, thị xã cấp, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận bản cam kết ATTP, xác nhận kiến thức về ATTP.

Cơ sở kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh do Thành phố hoặc quận, huyện, thị xã cấp; chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc xác nhận bản cam kết ATTP, xác nhận kiến thức ATTP; các cơ sở kinh doanh trái cây chưa có đăng ký kinh doanh và chưa được cấp các loại giấy về ATTP theo quy định.

Liên quan tới vấn đề trên, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Đề án chỉ quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, bao gồm: các hộ kinh doanh, hơp tác xã, công ty, tập đoàn... trên các khu dân cư, không bao gồm việc kinh doanh trái cây ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại 12 quận nội thành Hà Nội. Đối với hàng trái cây bán rong, để tiếp tục kinh doanh, người kinh doanh cần vào buôn bán tại các chợ để buôn bán tập trung.

Đề án trái cây của TP. Hà Nội đặt ra 4 nhóm điều kiện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây, bao gồm: Điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; Điều kiện nhân lực; Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; Điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.

Sở Công Thương cho biết sẽ triển khai thực hiện lễ gắn biển nhận diện thí điểm tại 4 quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai. Cụ thể, mỗi quận lựa chọn tối thiểu 5 cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của Đề án.

UBND các quận chủ trì phối hợp với Sở Công Thương tiến hành kiểm tra điều kiện thực tế tại các cửa hàng để làm căn cứ cấp biển nhận diện. Trong tháng 12/2017, Sở Công Thương sẽ phối hợp tổ chức lễ gắn biển nhận diện thí điểm trên địa bàn 8 quận còn lại của Hà Nội.

Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2018, 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành sẽ có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng...

Phong Lâm

Bình Phước: Bắt giữ gần 600kg trái cây không rõ nguồn gốc(VietQ.vn) - Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Phước vừa phát hiện, bắt giữ gần 600kg trái cây không rõ nguồn gốc.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang