Cảnh giác với mất tiền thật nhận đồ 'rởm' từ gian hàng ảo trên sàn thương mại điện tử

author 20:27 22/08/2024

(VietQ.vn) - Theo ghi nhận, hiện nay do lợi dụng chính sách không cho khách hàng đồng kiểm khi nhận hàng nên đã có không ít gian hàng ảo nở rộ khiến người tiêu dùng 'khóc dở mếu dở'.

Các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... và nhiều nền tảng khác như Facebook, TikTok,... đã trở thành điểm mua sắm ưa thích của rất nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng này còn nhiều bất cập. Hàng giả, hàng nhái dễ dàng được đưa lên sàn, lợi dụng lòng tin của người mua để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng. Đặc biệt các đối tượng còn lập ra nhiều gian hàng ảo để lừa người tiêu dùng khiến không ít người mắc bẫy.

Chia sẻ với báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Tuyết (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tháng trước chị có đặt mua một số loại mỹ phẩm của thương hiệu nổi tiếng trên sàn thương mại điện tử. Do tình cờ thấy gian hàng có voucher giảm giá sâu 50% nên chị đã đặt mua ngay.

“Đúng lúc có nhu cầu muốn mua mỹ phẩm thì tôi thấy gian hàng trên sàn thương mại điện tử này đã có hàng chục nghìn lượt bán, đăng tải các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết, quảng cáo giảm giá sốc, thanh lý xả kho. Thấy sản phẩm qua hình ảnh mẫu mã uy tín nên tôi đã đặt mua một đơn hàng có giá trị hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, tôi phát hiện ra đó chỉ một lọ dầu gội kích thích mọc tóc và không thể liên lạc lại với gian hàng này” - chị Tuyết nói.

Liên quan tới hành vi này trước đó Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt giữ ổ nhóm chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi trên sàn thương mại điện tử. Các đối tượng khai nhận đã cùng các đồng phạm lập ra các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến để chiếm đoạt tiền của sàn thương mại điện tử thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.

Nhiều gian hàng ảo trên thương mại điện tử người tiêu dùng nên cảnh giác. Ảnh minh họa

Cơ quan công an nhận định, các đối tượng này đã dựng lên màn kịch lừa đảo thông qua nhiều công đoạn như lập gian hàng ảo, tuyển người chốt đơn mua hàng ảo, tìm kiếm mã giảm giá, áp mã giảm giá, yêu cầu sàn thương mại điện tử đặt đơn mua hàng ảo, đóng gói hàng hóa không đúng mô tả, cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn thương mại điện tử chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến như quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử, sách, hoa, quà tặng và thực phẩm. Đây là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong năm 2024, các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dự kiến đạt doanh thu và doanh số bán hàng vượt 12,5 tỉ USD, đánh dấu mức tăng 35% so với năm 2023. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi.

Thậm chí hiện nay, có tình trạng nhiều đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho".

Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, chúng sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều shop đã sử dụng chiêu trò mua đơn để tạo lượt bán ảo cho sản phẩm nhằm “mồi” khách. Kèm theo đó là “đặt hàng” nhiều lượt đánh giá ảo với những lời khen ngợi nhằm dụ người tiêu dùng chốt đơn.

Đề cập đến nội dung này, bà Vũ Thanh Quỳnh - Giám đốc Truyền thông Shopee Việt Nam - cho biết, Shopee hiện cũng đã phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử (Vecom) để triển khai sáng kiến mua sắm an toàn, giúp cho người tiêu dùng vượt qua được những trở ngại lo lắng khi mua sắm online. Không chỉ vậy, Shopee cũng triển khai chương trình mua sắm online đồng kiểm, đây là một chương trình giúp người tiêu dùng có thể kiểm tra được lại xem cái món hàng hóa khi họ nhập mua và giúp cho họ yên tâm hơn.

Theo bà Vũ Thanh Quỳnh, khi phát hiện hành vi lừa đảo, người dân cần ngay lập tức liên hệ các tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của các trang thương mại điện tử hoặc gửi đơn tố giác tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra để tránh nguy cơ bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng nên chọn những sàn thương mại điện tử uy tín, xem xét kỹ thông tin như mô tả sản phẩm, thông số kỹ thuật, chính sách bảo hành và đổi trả cũng như hình ảnh thực tế của sản phẩm (nếu có), tham khảo ý kiến đánh giá và nhận xét từ người mua trước đó cũng như lưu ý những phản hồi, đánh giá tiêu cực về sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin về nhà bán hàng và số lượng các giao dịch đã hoàn thành, ưu tiên mua từ những cửa hàng có tỷ lệ phản hồi tích cực cao.

Khách hàng cũng tránh giao dịch ngoài hệ thống của sàn thương mại điện tử để đề phòng nguy cơ bị lừa đảo; sử dụng tính năng thanh toán khi nhận hàng (COD) và chọn những cửa hàng cho phép kiểm hàng trước khi nhận; đồng thời, cẩn thận với các sản phẩm có giá rẻ bất thường vì có thể là hàng giả hoặc lừa đảo. Ngoài ra, khách hàng cũng cần sử dụng chức năng theo dõi đơn hàng để kiểm tra quá trình vận chuyển và lưu giữ hóa đơn, biên lai, các thông tin liên quan đến giao dịch để có thể đối chứng nếu cần.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang