Hàng hóa nhập khẩu được kiểm tra như thế nào?
Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN |
Hỏi: Sắp tới tôi có nhập khẩu một lô hàng đồ chơi trẻ em, tôi muốn biết nội dung kiểm tra nhà nước về hàng hóa nhập khẩu được quy định như thế nào? Xin trân trọng cảm ơn quý báo!
Trịnh Đình Ánh (P. Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội)
Đáp: Thông tư số 17/2009/TT-BKHCN ngày 18/6/2009 hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định nội dung kiểm tra tại Điều 7 như sau:
Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra theo các nội dung như:
Kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu;
Kiểm tra sự phù hợp của nội dung chứng chỉ chất lượng của lô hàng nhập khẩu so với yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và các quy định hiện hành;
Kiểm tra mẫu nhãn hàng hóa và dấu hợp quy, trong đó kiểm tra các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn (và nhãn phụ) bao gồm tên hàng hóa, tên địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ của hàng hóa và các nội dung khác quy định cho từng loại hàng hóa; sự phù hợp của mẫu nhãn với bộ hồ sơ nhập khẩu lô hàng;
Kiểm tra vị trí, màu sắc, kích thước và ngôn ngữ trình bày của nhãn;
Kiểm tra việc thể hiện dấu hợp quy trên hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hoá nhóm 2 mang đặc tính mới có khả năng gây mất an toàn mà chưa được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hoá nhóm 2, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam hoặc theo cảnh báo của các tổ chức quốc tế, khu vực, nước ngoài có khả năng gây mất an toàn thì người nhập khẩu phải đăng ký, đồng thời cung cấp các căn cứ chứng minh hàng hóa đó bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường theo quy định và phải được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đăng ký.
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng, cơ quan kiểm tra áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra nhập khẩu đối với loại hàng hoá đó và khi có yêu cầu thì người nhập khẩu loại hàng hoá đó phải thực hiện chứng nhận hoặc giám định sự phù hợp đối với lô hàng nhập khẩu tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định. Chi phí chứng nhận hoặc giám định do người nhập khẩu chi trả tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc có nghi ngờ về kết quả đánh giá sự phù hợp, cơ quan kiểm tra tiến hành lấy mẫu để thử nghiệm đối với hàng hoá đó theo các quy định hiện hành.
Trường hợp người nhập khẩu không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu thì trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được kết quả thử nghiệm mẫu, người nhập khẩu phải trả lời bằng văn bản và có thể đề nghị một tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện việc đánh giá chất lượng đối với lô hàng hoá nhập khẩu đó. Kết quả đánh giá sự phù hợp này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng.
(Chuyên mục có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, số 70, Trần hưng Đạo, Ba Đình, Hà Nội
Mọi thông tin về lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng độc giả quan tâm, xin gửi câu hỏi về địa chỉ email: hoidap@vietq.vn)